+84865766989
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng
xã hội như Facebook, TikTok,… xuất hiện một hiện tượng “hot” đó là nhiều tài
khoản mạo danh các thương hiệu gà rán nổi tiếng. Các tài khoản này sử dụng tên
và nhãn hiệu tương tự nhãn hàng, sau đó đi bình luận ở nhiều video với nội dung
liên quan chương trình khuyến mãi, phát ngôn mang tính so sánh với đối thủ, hoặc
bình luận mang tính gây tranh cãi, thậm chí xúc phạm người khác… gây hiểu lầm
và ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu. Vậy những hành động tưởng như “giải
trí” này có thể bị xử phạt thế nào? Hãy cùng Công ty Luật TNHH XTVN tìm hiểu dưới
đây.
1. Quyền
sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí
tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009:
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí
tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu
công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được
sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 cũng có quy định:
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên
thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu
và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Như vậy nhãn hiệu và tên thương mại thuộc
quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng.
2. Thế
nào là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Đối với hành vi giả mạo các nhãn hàng, sử
dụng tên và logo tương tự nhãn hàng gà rán nổi tiếng để phát ngôn các nội dung
làm ảnh hưởng và thiệt hại đến nhãn hàng dưới nhiều hình thức là hành vi xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ. Căn cứ vào khoản 1 Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Tổ chức, cá nhân có
hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có
thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự,
hành chính hoặc hình sự. Trong đó, theo quy định tại
Điều 68 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định:
- Tính chất xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định dựa
trên các căn cứ sau đây: a) Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm: Xâm phạm do vô ý, xâm
phạm có ý, xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc, xâm phạm lần đầu, tái phạm;
b) Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm: Xâm phạm riêng lẻ, xâm phạm có tổ chức,
tự thực hiện hành vi xâm phạm, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện
hành vi xâm phạm.
- Mức độ xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định dựa
trên các căn cứ sau đây: a) Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực
hiện hành vi xâm phạm; b) Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.
2.1. Biện pháp dân sự
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 200
Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Việc áp dụng biện pháp dân sự thuộc thẩm quyền của
Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời theo quy định của pháp luật.
Cụ thể theo khoản 1 Điều 57 Nghị định
17/2023/NĐ-CP hướng dẫn: Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm
theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc của tổ chức, cá
nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang
bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.
Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự,
thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của
pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.
Như vậy, nhãn hàng có thể khởi kiện yêu cầu
bồi thường thiệt hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm ảnh hưởng
danh tiếng, uy tín của nhãn hàng.
2.2. Biện pháp hành chính
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 200
Luật sở hữu trí tuệ: Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các
cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp.
Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn
và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Cụ thể theo khoản 1 Điều 57 Nghị định
17/2023/NĐ-CP hướng dẫn: Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm
phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211
của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền
liên quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức,
cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát
hiện.
Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử
phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo quy định tại khoản 15 Điều 11 Nghị định
99/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối
với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên
thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện
kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
2.3. Biện pháp hình sự
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 200
Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của
Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời theo quy định của pháp luật.
Cụ
thể khoản 3 Điều 57 Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn: Biện pháp hình sự được
áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có đủ yếu tố cấu
thành tội phạm theo quy định của Bộ luật
Hình sự.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện
pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung
năm 2017 quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
“1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở
hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt
Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô
thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000
đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng
đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000
đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền
từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc
chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc
làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, việc giả mạo các nhãn hàng bằng việc tạo các tài khoản sử
dụng tên và nhãn hiệu tương tự nhãn hàng để bình luận và phát ngôn gây tranh
cãi, sai sự thật,… gây thiệt hại cho nhãn hàng có thể bị xử lý bằng các biện
pháp dân sự, hành chính, hình sự như trên. Do đó, XTVN khuyến nghị các độc giả
“đu trend” một cách thông thái, tuân thủ quy định của pháp luật.