Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Quảng cáo “thổi phồng” sản phẩm trên mạng xã hội  - hậu quả pháp lý


Gần đây, dư luận dậy sóng trước những buổi livestream bán hàng của các KOLs (người có ảnh hưởng) với những tuyên bố như: “hũ yến sào 70ml chứa đến 30g yến tươi”, “một viên kẹo rau củ có thể thay thế một đĩa rau”. Ngay sau những tuyên bố này là sự phản ứng gay gắt, sự phản bác quyết liệt từ phía khách hàng và các đơn vị chuyên môn về tính trung thực của thông tin quảng cáo. Những sự việc này đặt ra hồi chuông cảnh báo về tình trạng quảng cáo thiếu trung thực tràn lan trên mạng xã hội.

Hậu quả pháp lý

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012:

“Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi…”.

Như vậy, hành vi bán hàng qua livestream của các KOLs nhưng “thổi phồng” về công dụng của sản phẩm là hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, cá nhân/tổ chức khi thực hiện hành vi nêu trên đã vi phạm khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại 2005; khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 và điểm a, khoản 1 Điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2023.

Từ đó, hậu quả pháp lý đối với những hành vi nêu trên như sau:

1.      Mức xử phạt hành chính

Theo quy định tại khoản 5, Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng. Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 4, Điều 51 và điểm b, khoản 4, Điều 52 Nghị định này, với các sản phẩm như mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng, mức phạt có thể thấp hơn dao động từ 20 - 40 triệu đồng. Lưu ý, nếu vi phạm do tổ chức thực hiện, mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

2.      Mức truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài xử phạt hành chính, nếu hành vi quảng cáo sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể nếu hành vi quảng cáo gian dối gây hậu quả nghiêm trọng và đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, người vi phạm có thể:

-         Bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm;

-         Bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

 Giải pháp cho người tiêu dùng

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quảng cáo những thông tin sai sự thật, gây hiểu lầm như trên, người tiêu dùng/tổ chức/cá nhân có liên quan có thể yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua các cách:

-         Cách 1: Làm đơn gửi đến Tổng cục Quản lý thị trường

Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

-         Cách 2: Trình báo qua đường dây hotline của Tổng cục Quản lý thị trường, số điện thoại: 1900.888.655

Việc xử lý nghiêm minh những trường hợp quảng cáo không trung thực không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Những người có sức ảnh hưởng cần ý thức được rằng mỗi phát ngôn của họ có thể tác động mạnh đến hàng triệu người, bên cạnh hậu quả pháp lý phải gánh chịu thì việc đánh mất lòng tin từ công chúng có thể là cái giá đắt nhất mà họ phải trả.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN