Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Quy định về việc chấp hành án treo tại địa phương

Quy định về việc chấp hành án treo tại địa phương


Chấp hành án treo là một hình thức xử phạt nhẹ hơn so với án tù giam, cho phép người phạm tội không phải vào trại giam nhưng vẫn phải chịu những hạn chế nhất định. Việc áp dụng án treo không chỉ giúp giảm áp lực cho hệ thống nhà tù mà còn tạo cơ hội cho người phạm tội có thể tái hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ an ninh trật tự xã hội, người chấp hành án treo phải tuân thủ nhiều quy định và hạn chế nghiêm ngặt.

1.      Quy định pháp luật về việc chấp hành án treo

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có thể hiểu, án treo là hình phạt dành cho người phạm tội nhưng được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Người phạm tội không bị bắt giam mà thay vào đó sẽ trải qua một thời gian thử thách. Án treo thường được Tòa án áp dụng cho các đối tượng bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào việc người phạm tội có nhân thân tốt, hoặc các tình tiết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, xét thấy không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tù. Tòa án cho người phạm tội hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 đến 05 năm và phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Quy định này tạo cơ hội cho người phạm tội sửa chữa sai lầm, hòa nhập với cộng đồng, đồng thời tránh làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống trại giam. Người được hưởng án treo sẽ không phải vào trại giam, nhưng trong thời gian thử thách, họ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ quan thi hành án.

2.      Nghĩa vụ của người chấp hành án treo

Nghĩa vụ của người được hưởng án treo được quy định rõ ràng tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019. Cụ thể, sau khi có quyết định chấp hành án treo, người phạm tôi có nghĩa vụ:

-         Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án;

Người phạm tội phải đến trình diện và khai báo tại UBND cấp xã, phường nơi cư trú hoặc cơ quan nơi làm việc trong thời gian từ 3 đến 7 ngày sau khi bản án có hiệu lực, phải cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng cá nhân, địa chỉ nơi cư trú, nghề nghiệp và các hoạt động của bản thân. Đồng thời phải cam kết tuân thủ các quy định pháp luật trong suốt thời gian thử thách.

-               Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận);

-               Chịu sự giám sát, giáo dục của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc; hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

Người chấp hành án treo phải thường xuyên thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ với cơ quan giám sát tại địa phương. Tùy thuộc vào quyết định của cơ quan thi hành án, họ có thể phải báo cáo hàng tháng, hàng quý hoặc khi có yêu cầu.

-            Chấp hành quy định về việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc; phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

3.      Những hạn chế đối với người chấp hành án treo

Mặc dù không bị giam giữ trong trại giam, người chấp hành án treo vẫn phải tuân thủ nhiều quy định và hạn chế trong cuộc sống hằng ngày để bảo đảm rằng họ không vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, người chấp hành án treo bị giới hạn di chuyển trong phạm vi nơi cư trú.

Căn cứ Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019, nếu họ muốn di chuyển ra khỏi địa bàn xã, phường, họ phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan giám sát. Cụ thể, người được hướng án treo khi vắng mặt tại địa phương cư trú, họ sẽ phải có đơn xin phép khai báo điểm đến, thời gian dự kiến trở về và các thông tin liên quan khác. Cơ quan giám sát sẽ xem xét và phê duyệt nếu thấy phù hợp, khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, khi người được hưởng án treo đến nơi cư trú mới phải trình bảo với Công án cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú và khi hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc Công án cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.

Thứ hai, người chấp hành án treo bị hạn chế về nghề nghiệp.

Căn cứ Điều 41 Bộ luật hình sự 2015, một số nghề nghiệp khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội, ví dụ như các ngành nghề yêu cầu độ tin cậy cao hoặc tiếp xúc với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, hoặc công việc có yếu tố liên quan đến quản lý tài sản công, có thể không được phép đảm nhiệm trong thời gian chấp hành án treo.

Thứ ba, người chấp hành án treo bị hạn chế về quyền công dân.

Căn cứ Điều 44 Bộ luật hình sự 2015, người chấp hành án treo bị tước một số quyền công dân như: quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước, quyền phục vụ trong lực kượng vũ trang nhân dân. Các quyền công dân chỉ được khôi phục sau khi họ hoàn thành quá trình và cải tạo thành công.

Ngoài ra, căn cứ Điều 56 Bộ luật hình sự 2015 và khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, trong suốt thời gian chấp hành án treo, người phạm tội không được phép vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật, kể cả những vi phạm hành chính nhỏ nhất. Nếu có vi phạm, họ có thể bị buộc phải chấp hành toàn bộ bản án tù mà trước đó đã được hoãn thi hành.

Như vậy, chấp hành án treo là một biện pháp hình phạt nhân đạo, tạo điều kiện cho người phạm tội sửa chữa sai lầm mà không bị cách ly khỏi xã hội. Ngoài ra, căn cứ theo Điều 70 Bộ luật hình sự 2015, người được hưởng án treo còn có thể được xóa án tính trong thời hạn 01 năm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, người chấp hành án treo phải tuân thủ nhiều nghĩa vụ và hạn chế khắt khe. Việc nắm rõ các quy định này không chỉ giúp người chấp hành án treo thực hiện đúng nghĩa vụ mà còn tạo điều kiện cho họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng một cách thành công.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN