Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động mà người lao động cần chú ý

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa Người lao động và Người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là Hợp đồng lao động.

Hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý căn bản để giải quyết các bất đồng, tranh chấp giữa hai bên trong quan hệ lao động. Đặc biệt, hợp đồng lao động bằng văn bản vừa đóng vai trò là chứng cứ, vừa đóng vai trò là “quy phạm” để giải quyết các vụ việc tranh chấp.

Bên cạnh đó, Hợp đồng lao động là một trong những công cụ quản lý lao động hữu hiệu trong doanh nghiệp. Chính do yếu tố quản lý lao động trong Hợp đồng lao động nên để duy trì, ổn định quan hệ lao động và bảo vệ lợi ích của cả hai bên, nhất là lợi ích của Người lao động, pháp luật lao động hiện hành đã giới hạn quyền quản lý lao động của Người sử dụng lao động trong hợp đồng lao động.

Do vậy, có những nội dung bắt buộc phải có trong Hợp đồng lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp mà Người lao động phải chú ý, như sau:

1. Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.

Tên, địa chỉ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; Họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu của Người sử dụng lao động phải được căn cứ theo các hồ sơ, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp và còn hiệu lực sử dụng. Trong trường hơp pháp hiện ra một số thông tin có khả năng là giả mạo, để bảo vệ quyền lợi của người, Người lao động cần yêu cầu Người sử dụng lao động cung cấp bằng chứng xác thực cho các thông tin về tư cách pháp lý ghi nhận tại Hợp đồng lao động

2. Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.

Tương tự như thông tin đối với Người sử dụng lao động, Người lao động khi giao kết hợp đồng không sử dụng giấy tờ giả hoặc hết hiệu lực đối khi ghi nhận trong Hợp đồng lao động. Việc này làm ảnh hưởng đến khả năng bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của Cơ quan có thẩm quyền đối với Người lao động trong trường hợp xảy ra các tranh chấp lao động có liên quan.

3. Công việc và địa điểm làm việc.

Trước khi ký kết hợp đồng lao động thì người lao động cần yêu cầu người sử dụng lao động quy định rõ địa điểm làm việc trong hợp đồng, tránh trường hợp ghi chung chung (như là theo sự sắp xếp của công ty,…), việc ghi chung chung như vậy sẽ tạo cơ hội cho người sử dụng lao động “gây khó” người lao động (nếu họ muốn), như là cố tình chuyển người lao động đi làm xa để họ tự ý xin nghỉ việc.

4. Thời hạn của hợp đồng lao động.

Thời gian thực hiện hợp đồng lao động (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định); thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn).

5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung là một trong các yếu tố bắt buộc phải có trong Hợp đồng lao động. Người lao động phải chú ý tới khoản này, so sánh với mức thỏa thuận ban đầu cùng với các yếu tố đặc thù của công việc để đánh giá sự phù hợp của khoản thù lao được nhận.

Ngoài ra, hình thức trả lương thông thường bằng tiền mặt/chuyển khoản qua ngân hàng hoặc thời hạn trả lương cũng là những yếu tố Người lao động cần chú ý, nếu cảm thấy không phù hợp hoặc cần thỏa thuận lại.

6. Chế độ nâng bậc, nâng lương.

Bậc lương là từ thường được thấy trong các ngạch lương, đại diện cho mức thăng tiến lương khác nhau của người lao động. Thông thường, người lao động sẽ có từ 5 đến 10 bậc lương. Đồng thời, mỗi bậc lương sẽ tương ứng với một hệ số lương cụ thể. Mỗi ngạch lương sẽ có một số bậc lương xác định đi từ mức thấp nhất đến mức cao nhất, điều này là để đảm bảo tính công bằng, hợp lý và tạo động lực làm việc cho Người lao động.

 

7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Thông tin này sẽ bao gồm: Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; làm thêm giờ và các điều khoản liên quan khi làm thêm giờ; Thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.

8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

Nội dung về trang bị bảo hộ lao động đặc biệt quan trọng đối với những người lao động thực hiện công việc của mình trong các môi trường đặc biệt như nhà xưởng, hầm mỏ, công trường, … Những môi trường này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm vô hình như bụi bặm, khí độc, ô nhiễm, vật sắc nhọn, doanh nghiệp phải trang bị quần áo bảo hộ cho công nhân của mình để hiệu quả làm việc tốt hơn, cũng như thể hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động.

9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng sử dụng lao động còn vì lợi ích của chính mình khi cùng thực hiện san sẻ rủi ro giữa tập đoàn những người sử dụng lao động, để bảo đảm cho quá trình sản xuất, kinh doanh không bị ảnh hưởng khi phát sinh nhu cầu đóng – hưởng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động.

Bên cạnh đó, Người lao động khi có việc làm và khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập vào quỹ dự phòng. Quỹ này hỗ trợ Người lao động khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không làm việc, lúc già cả để duy trì và ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ.

10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Theo Khoản 1 Điều 48 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013, Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Trong đó, Người sử dụng lao động lập phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho Người lao động, thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho Người lao động đúng theo như đã lên kế hoạch với số lượng Người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề cũng như chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề theo đúng phương án đã đề ra.

 

Như vậy, Hợp đồng lao động tạo nên sự minh bạch và công bằng giữa Người lao động và Người sử dụng lao động trong quá trình làm việc, tránh các tranh chấp không đáng có sau này. Người lao động nếu cảm thấy có những điều khoản gây bất lợi hoặc không rõ ràng, cần ngay lập tức thẳng thắn trao đổi, đề xuất điều chỉnh với Người sử dụng lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

 



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN