Thời gian gần đây, trên các hội, nhóm, trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết và bình luận về đồng tiền ảo Pi Network. Đặc biệt, việc Pi Network được niêm yết trên một số sàn giao dịch tiền ảo đã tạo tâm lý phấn khích trong cộng đồng những người “đào” Pi.
Cơn sốt Pi Network
Ra đời từ năm 2019, Pi Network được quảng cáo giúp người
tham gia sở hữu tiền ảo Pi miễn phí bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại,
"bấm tia sét" để điểm danh mỗi ngày. Dự án này đã thu hút hàng triệu
người tham gia với hy vọng rằng đồng Pi sẽ sớm có giá trị khi được niêm yết
trên các sàn giao dịch.
Tuy nhiên, thực tế, để có thể đem đồng Pi đi giao dịch
trên các sàn tiền số, những người đào Pi vẫn sẽ phải chờ được thông qua bước 9,
bước chuyển Pi lên mainnet hay nói cách khác đưa Pi lên sàn để bán. Điều đáng
nói là những người đào Pi sẽ phải chờ đợi rất lâu, có người đã chờ từ 6 - 8
tháng, có người 2 năm và thậm chí có người đã chờ tới vài năm, nhưng vẫn chưa
được hệ thống cho “thông quan” để đưa Pi lên sàn bán.
Một nhà đầu tư tham gia thị trường này chia sẻ: "Để mà đào Pi và đưa lên sàn thì nó là hai cái hoàn toàn khác
nhau. Đào Pi thì vẫn là cái hoạt động diễn ra bình thường, là mình vào hàng
ngày, click cái tia sét ở trên điện thoại. Tuy nhiên, để mà đưa được khi lên
sàn thì qua bước mainnet thì sau khi bạn qua cái bước KYC rồi thì nó mới đến
bước là cái tim của Pi sẽ chuyển cái pi đấy lên mainnet cho bạn. Nhiều người
sau khi đào 5 năm rồi, nhưng mà cái phần đấy họ vẫn chưa được chuyển lên".
Đáng nói, mới đây, trong một thông báo chính thức trên
cổng thông tin điện tử, Công an TP Hà Nội cũng đã đưa ra cảnh báo đối với người
dân về việc đầu tư vào tiền số Pi Network. Theo Công an TP Hà Nội, đồng Pi chưa
có tính ứng dụng thực tế. Giá trị hiện nay là tự định giá và làm nhiều người bị
hiểu lầm về giá trị thật của đồng tiền ảo này.
Đặc biệt, một số đối tượng có thể lợi dụng đồng Pi để
thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như tạo ra các đồng tiền ảo giả mạo Pi
từ đó huy động vốn nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tạo ra các ứng
dụng giả mạo Pi để thu thập dữ liệu trái phép của người dùng; truy cập bất hợp
pháp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tiền ảo trong các giao dịch
mua, bán Pi.
Đầy rủi ro, đối diện nguy cơ lừa đảo
Thực tế, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo
nói chung và Pi nói riêng chưa được công nhận là tài sản, dẫn đến các giao dịch
liên quan tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được bảo vệ pháp lý. Cũng theo Ngân
hàng Nhà nước, việc dùng tiền ảo để thanh toán là vi phạm pháp luật và có thể
bị xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về vấn đề này, luật sư Trần Thế Anh, Phó Giám đốc Công ty
Luật TNHH XTVN (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định: "Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể công nhận tiền số
Pi có bất kỳ loại tiền điện tử nào khác là tiền tệ hợp pháp và phương tiện
thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam năm 2010 thì chỉ có tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam phát hành thì mới được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp giữa
lãnh thổ Việt Nam thì số PI cũng như các loại tiền điện tử khác không nằm trong
cái danh mục này và không được pháp luật công nhận là tin cậy hoặc là phương
tiện thanh toán hợp pháp”.
Do đó, luật sư Trần Thế Anh nhấn mạnh, những vụ việc, vấn
đề phát sinh, tranh chấp liên quan đến các hoạt động giao dịch đồng Pi rất rủi
ro, khó được pháp luật bảo vệ, xử lý:
"Nếu nhà đầu tư bị lừa đảo khi giao dịch
tiền số Pi khả năng được pháp luật bảo vệ hoặc có cơ chế hỗ trợ cụ thể là rất
hạn chế. Tuy nhiên, những hành vi lừa đảo liên quan đến giao dịch tiền, có đủ
các yếu tố cấu thành tội phạm, nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm sự bảo vệ cụ thể
nếu kẻ lừa đảo dùng thủ đoạn gian dối. Tuy nhiên, thực tế thì khả năng đòi lại
tài sản là rất thấp, đặc biệt nếu thủ phạm ở nước ngoài hoặc giao dịch không để
lại dấu vết rõ ràng. Vì vậy, cách tốt nhất thì vẫn là thận trọng trước khi tham
gia pháp luật hiện hành, không bảo hộ các hoạt động liên quan đến tiền số Pi. Do
vậy, người dân cần phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện bất kỳ hành vi nào hoặc
tham gia đầu tư về tiền số Pi".
Có thể thấy, việc giao dịch đồng Pi hiện nay vẫn tiềm ẩn
nhiều rủi ro khi chưa được pháp luật công nhận và chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu
tư. Những lời mời gọi hấp dẫn về khả năng sinh lời cao có thể che giấu nhiều
cạm bẫy, từ lừa đảo tài chính đến đánh cắp thông tin cá nhân.
Trước những rủi ro pháp lý và nguy cơ lừa đảo liên quan
đến giao dịch đồng Pi, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng,
không chạy theo tâm lý đám đông. Đặc biệt, trước khi tham gia bất kỳ hình thức
đầu tư nào, đặc biệt là với tiền mã hóa, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng, cân
nhắc rủi ro và tránh đặt niềm tin vào những giá trị chưa được kiểm chứng. Ông
Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA đưa ra
một số lưu ý quan trọng nhằm giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro và đưa ra quyết
định sáng suốt hơn:
"Trước khi đầu tư chúng ta phải có kiến
thức về cái crypto đó và khi mà có kiến thức crypto đó không những mình hiểu về
nó không mà mình còn phải hiểu crypto đó có tính thanh khoản như thế nào, có
nghĩa là mua bán được ứng dụng ở đâu, thanh khoản trên thị trường nó ra sao và
cái rủi ro cho từng loại crypto. Nếu mà những nhà đầu tư cá mập họ sẵn sàng, họ
đưa ra rất là nhiều cái bức tranh tươi đẹp, những bức tranh rất là hấp dẫn để
thu hút. Nhưng mà đối với những nhà đầu tư mới, những người newbie không tỉnh
táo, không có cái kiến thức là sẽ sụp bẫy ngay."
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công
nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng,
tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi tham gia đầu tư vào đồng tiền ảo Pi; cảnh
giác khi tiến hành các giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo Pi để tránh rủi ro
thiệt hại về tài sản và gặp phải những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Đồng thời, không đưa, truyền, đăng tải các thông tin sai
sự thật, không được kiểm chứng trên không gian mạng liên quan đến các loại tiền
ảo, tiền mã hóa nói chung và đồng tiền Pi nói riêng gây hoang mang dư luận hoặc
xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật.