Câu hỏi: Khi Luật Bảo
hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, chính sách bảo hiểm xã hội
có thay đổi gì mới so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (hiện hành)?
1. Tham gia BHXH từ 01/7/2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần
nếu không thuộc trường hợp quy định
Từ 01/7/2025, người
lao động tham gia BHXH từ thời điểm này chỉ được rút BHXH một lần trong các trường
hợp đặc biệt như: đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH, ra nước
ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên
hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Tuy nhiên, người lao động
có thời gian đóng BHXH trước 01/7/2025, đã nghỉ việc và sau 12 tháng không tham
gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, nếu chưa đủ 20 năm đóng BHXH, vẫn có thể rút
BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với việc người bắt đầu tham gia BHXH trước
ngày 30/6/2025 vẫn có quyền rút BHXH một lần theo quy định cũ.
Như vậy, quy định mới
siết chặt hơn điều kiện rút BHXH một lần đối với người lao động tham gia từ
01/7/2025, nhằm khuyến khích duy trì đóng BHXH để hưởng lương hưu lâu dài.
2. Thêm cơ hội hưởng lương hưu cho người đi xuất khẩu lao
động
Tại khoản 4 Điều 66
BHXH năm 2024 bổ sung quy định tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH cả ở Việt
Nam và nước ngoài cho người lao động, cụ thể: “Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng
lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc
tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian
đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian
này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
quy định tại Điều 72 của Luật này.”
3. Đóng BHXH 15 năm cũng sẽ được hưởng lương hưu
Từ 01/7/2025,
điều kiện hưởng lương hưu được mở rộng, giúp nhiều lao động có cơ hội nhận
lương hưu dù thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm như trước đây, cụ thể:
Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện: Người lao động làm việc theo hợp đồng từ 01 tháng trở lên, cán bộ, công
chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công an, người làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng, chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp có lương, người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã…; Công dân nước ngoài làm việc
tại Việt Nam theo hợp đồng từ 12 tháng trở lên (trừ một số trường hợp đặc
biệt).
Điều kiện hưởng lương hưu: Đủ tuổi nghỉ
hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; Có từ 15 năm đóng BHXH bắt buộc
và làm nghề nặng nhọc, nguy hiểm, làm việc ở vùng khó khăn; Có từ 15 năm
làm công việc khai thác than trong hầm lò; Người nhiễm HIV/AIDS do tai nạn
nghề nghiệp.
Các nhóm đặc biệt (sĩ quan, quân nhân, dân quân…): Được hưởng lương hưu nếu có 15 năm đóng BHXH và tuổi thấp hơn quy định từ
5-10 năm tùy trường hợp; Làm công việc đặc biệt nặng
nhọc, độc hại hoặc ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn.
4.
Giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Từ ngày 01/7/2025,
theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ
giảm từ 80 xuống còn 75 tuổi.
Điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Công dân Việt Nam từ 75 tuổi trở lên, không nhận lương hưu hoặc trợ cấp
BHXH hằng tháng và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp; Người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng
được hưởng nếu đáp ứng điều kiện trên; Ủy
ban Thường vụ Quốc hội có thể tiếp tục điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp
này theo đề xuất của Chính phủ.
Trên đây là một số điểm mới trong chính
sách bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ bắt đầu có
hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ trực tiếp
với Công ty TNHH XTVN, địa chỉ: Tầng 8, số 33 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận
Đống Đa, thành phố Hà Nội hoặc liên hệ qua Website: https://xtlaw.com.vn.