Tiền công đức, cúng dường
tại các đền, chùa và các cơ sở tôn giáo khác là một nguồn thu không nhỏ, được
đóng góp tự nguyện từ tín đồ và khách thập phương xuất phát từ lòng tin và mong
muốn đóng góp vào việc xây dựng, hỗ trợ hoạt động duy trì và phát triển các
công trình mang ý nghĩa tâm linh này. Hiện nay, việc quản lý và sử dụng tiền
công đức còn tồn tại nhiều khoảng trống pháp lý, dẫn đến tình trạng thiếu inh bạch,
chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Điển hình là việc xây dựng,
tu sửa, cải thiện cơ sở vật chất chùa, đền nhằm phục vụ hoạt động tín ngưỡng bằng
việc kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và phật tử đóng góp tiền. Tuy nhiên,
khi công trình hoàn thiện, việc xây dựng không phù hợp với mong muốn của người
đóng góp dẫn đến nhiều mâu thuẫn, tranh chấp đòi lại tiền cúng dường, quyên
góp.
1. Cơ
sở pháp lý về việc cúng dường và đòi lại tiền đã quyên góp
Theo quy định pháp luật
Việt Nam, việc “cúng dường” thường được hiểu là hành động tự nguyện và không có
điều kiện ràng buộc, khi một cá nhân đã tự nguyện cúng dường, số tiền đó về
nguyên tắc sẽ không thuộc sở hữu của người cúng dường nữa mà trở thành tài sản
của tổ chức tiếp nhận, ở đây là nhà chùa, đền. Căn cứ khoản 6, Điều 7 Luật Tín
ngưỡng, Tôn giáo quy định: Tổ chức tôn giáo có quyền “nhận tài sản hợp pháp
do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng
cho”. Đồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định cấm, hạn chế hành vi
“khất thực” (xin quyên góp) của cá nhân, tổ chức, cũng không quy định chi tiết
hành vi “cúng dường” (tặng cho), đều được thực hiện và được pháp luật công nhận.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định quyền tặng cho là quyền cơ bản của chủ sở hữu
tài sản (Điều 194), quy định về giao dịch, hợp đồng tặng cho từ Điều 458 đến Điều
462. Có thể xác định từ góc độ luật pháp, việc cúng dường có giá trí pháp lý
nhưng một giao dịch dân sự tặng cho tài sản.
Căn cứ Điều 119 Bộ luật
Dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự có thể
thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, hành vi cụ thể hoặc bằng
văn bản. Đồng thời, việc cúng dường, công đức tiền tại đền, chùa đáp ứng đủ các
quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117 Bộ luật Dân
sự 2015 thì sẽ hoàn toàn có giá trị pháp lý. Bên cạnh đó, tiền được xác định là
động sản, do đó, căn cứ theo Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015 về việc tặng cho động
sản thì thời điểm có hiệu lực của việc tặng cho tiền là kể từ thời điểm bên được
tặng cho nhận tài sản. Vì vậy, ngay từ thời điểm công đức, cúng dường cho đền,
chùa thì số tiền đó đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của đền, chùa do đó, sẽ
không có quyền để đòi lại bởi việc cúng dường, công đức được thực hiện trên
tinh thần hoàn toàn tự nguyện.
Với vụ việc thực tiễn trên,
có thể thấy, việc xảy ra tranh chấp khiến người cúng dường đòi lại tiền đã cúng
dường là sự việc vô cùng hy hữu. Trên thực tế, để đòi lại tiền cúng dường là rất
khó, tuy nhiên, muốn đòi lại tiền đã cúng dường trong trường hợp không đồng ý với
cách sử dụng quỹ của nhà chùa thì có thể lập luận rằng số tiền này đã được đóng
góp dựa trên cam kết hoặc lời kêu gọi cụ thể từ nhà chùa về mục đích xây dựng. Căn
cứ theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, nếu như việc tặng cho tiền không tuân thủ
các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch tặng cho này sẽ bị
vô hiệu, có thể có căn cứ đòi lại tiền. Nghĩa là, cần lập luận rằng việc cúng
dường số tiền cho chùa nhưng kèm điều kiện chùa phải thực hiện xây dựng theo
yêu cầu đã đặt ra nhưng chùa không thực hiện đúng. Tuy nhiên, để lập luận được
theo hướng này là rất khó, vì không có thỏa thuận ràng buộc nào về hình thức
hay thiết kế cụ thể với nhà chùa, việc đòi lại số tiền đã cúng dường có thể sẽ
không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Đồng thời, nhà chùa là đơn vị quản lý số tiền từ
thiện, có trách nhiệm sử dụng số tiền này theo đúng mục đích công khai ban đầu.
Nếu nhà chùa đã hoàn tất công trình, hay đã tiến hành thực hiện sử dụng toàn bộ
số tiền đúng mục đích, thì về nguyên tắc, chùa không có nghĩa vụ phải hoàn trả
lại số tiền đó.
Có thể thấy, Việt Nam
chưa xây dựng một hành lang pháp lý cụ thể trong quản lý tiền công đức đã tạo
điều kiện cho nhiều vấn đề phát sinh như việc thiếu tính minh bạch trong thu
chi tiền công đức, cúng dường; tranh chấp giữa người cúng dường và cơ sở tín
ngưỡng; thiếu chế tài rõ ràng với hành vi phạm. Nhiều quốc gia trên thế giới đã
áp dụng những chính sách chặt chẽ và minh bạch trong việc quản lý tiền công đức
nhằm bảo vệ niềm tin của người dân vào các cơ sở tín ngưỡng và ngăn ngừa các
hành vi lạm dụng. Ví dụ, tại Nhật Bản, các ngôi chùa, đền thờ đều phải thực hiện
báo cáo tài chính định kỳ và công khai chi tiết các khoản thu chi để người dân
có thể dễ dàng tra cứu. Chính quyền Nhật Bản cũng có các cơ quan giám sát hoạt
động tài chính của các cơ sở tín ngưỡng, đảm bảo tính minh bạch và tránh việc lợi
dụng tôn giáo để thu lợi cá nhân. Do đó, việc bổ sung các quy định pháp lý về
quản lý và giám sát tài chính, xác định quyền và trách nhiệm của các bên liên
quan, cùng với áp dụng chế tài xử lý vi phạm là cần thiết và sẽ góp phần tạo ra
môi trường tín ngưỡng lành mạnh và phát triển bền vững.