Người
mất năng lực hành vi dân sự được xem là chủ thể đặc biệt bởi bản thân người đó
không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình trong các mối quan hệ dân sự.
Do đó, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của họ và những người liên quan, theo quy định
của pháp luật có những chủ thể nhất định, được quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một
người mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, việc tuyên bố một người mất năng
lực hành vi dân sự sẽ ảnh hưởng tới một số quyền lợi ích của họ, vì vậy khi thực
hiện yêu cầu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Hãy cùng XTlaw tìm
hiểu về chủ đề “Ai là người có quyền yêu
cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự”.
1. Năng lực hành vi dân sự là gì?
Căn
cứ theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015 về năng lực hành vi
dân sự của cá nhân thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả
năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
2. Khi nào một người bị coi là mất
năng lực hành vi dân sự?
Căn
cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về mất năng lực hành
vi dân sự thì người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi:
“Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc
mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của
người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra
quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết
luận giám định pháp y tâm thần”.
Như
vậy, một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi đáp ứng đầy đủ các điều
kiện sau:
- Do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận
thức, làm chủ được hành vi;
- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của
cơ quan, tổ chức hữu quan;
-
Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự
theo yêu cầu của những chủ thể trên, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm
thần.
3. Người có quyền
yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
Căn
cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 376 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Quyền
yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
"Điều 376. Quyền yêu cầu tuyên bố
một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc
có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
1.
Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu
Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng
lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định
của Bộ luật dân sự”.
Người
có quyền, lợi ích liên quan là người có quan hệ hợp đồng, quan hệ thừa kế, quan
hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ quản lý tài sản, quan hệ bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của người mất năng lực hành vi dân sự. Ví dụ:
+
Quan hệ thừa kế: cha con, mẹ con, cô dì chú bác,……
+
Quan hệ hôn nhân và gia đình: Quan hệ vợ chồng,………..
+
Quan hệ hợp đồng: Quan hệ hợp đồng lao đồng giữa người lao động và người sử dụng
lao đồng, quan hệ hợp đồng mua bán giữa người mua và người bán,.......
Cơ
quan, tổ chức hữu quan là cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ, quyền hạn bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của người mất năng lực hành vi dân sự, như cơ quan quản lý Nhà
nước về y tế, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, thương binh và xã hội, cơ
quan quản lý Nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ trẻ em. Ví
dụ:
+
Cơ quan quản lý Nhà nước về y tế: Bộ Y tế, Tổ chức bảo hiểm xã hội Việt Nam,
các cơ quan y tế địa phương,...........
+
Cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, thương binh và xã hội: Bộ lao động,
thương binh và xã hội, Sở lao động thương binh và xã hội,……
+
Cơ quan quản lý về giáo dục: Bộ giáo dục, Sở giáo dục, Phòng giáo dục, trường học,………
Như
vậy, qua phân tích các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự,
chúng ta có thể hiểu rõ hơn về người có quyền yêu cầu Toà tuyên bố một người mất
năng lực hành vi dân sự. Việc yêu cầu Toà tuyên bố một người mất năng lực hành
vi dân sự là một biện pháp pháp lý, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
người mất năng lực hành vi dân sự và của những người có quan hệ dân sự với người
đó. Tuy nhiên, việc yêu cầu Toà tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
cũng phải tuân thủ các quy trình, thủ tục và điều kiện do pháp luật quy định.
Đây là một vấn đề cần được nâng cao ý thức pháp lý và trách nhiệm xã hội của mọi
người trong quan hệ dân sự.