Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật khi chuyển nhượng vốn & chuyển nhượng dự án tại Việt Nam

Chuyển nhượng vốn là quá trình chuyển đổi quyền sở hữu và quản lý vốn từ một bên sang bên khác. Thông thường, chuyển nhượng vốn xảy ra khi một cổ đông hoặc bên liên quan muốn chuyển nhượng phần vốn mà họ sở hữu trong một doanh nghiệp cho một bên thứ ba.

Chuyển nhượng dự án là quá trình chuyển giao quyền sở hữu, quản lý và khai thác một dự án từ bên chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng. Thông thường, chuyển nhượng dự án xảy ra khi một tổ chức hoặc cá nhân muốn chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc quản lý một dự án đang hoạt động cho bên thứ ba.

Vậy việc chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án có phải là “chuyển nhượng dự án” hay không

1) Chuyển nhượng dự án

- Đối tượng chuyển nhượng: toàn bộ hoặc một phần dự án (Căn cứ Điều 46 Luật đầu tư 2020; Điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản 2014).

- Điều kiện chuyển nhượng dự án: Điều 46 Luật đầu tư năm 2020, tập trung vào đối tượng chuyển nhượng là dự án (hoặc phần dự án), nhà đầu tư, … chuyển nhượng, nhằm dự án không bị cấm chuyển nhượng theo các quy định liên quan.

- Thủ tục chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án: Việc chuyển nhượng dự án dẫn đến Bên nhận chuyển nhượng sẽ thay cho Bên chuyển nhượng trở thành chủ đầu tư chính thức của Dự án, do đó đối với các dự án thuộc diện có chấp thuận chủ trương đầu tư và/hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư tại cơ quan cấp phép đầu tư. Trong thành phần hồ sơ điều chỉnh dự án do chuyển nhượng dự án luôn bắt buộc phải có Hợp đồng chuyển nhượng dự án giữa Bên Bán và Bên Mua.

- Nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư liên quan đến giá trị chuyển nhượng Dự án: Trường hợp chuyển nhượng dự án phát sinh thu nhập, nhà đầu tư chuyển nhượng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Thu nhập tính thuế từ giao dịch chuyển nhượng dự án phải được hướng dẫn kê khai và nộp thuế theo quy định và cơ chế riêng và độc lập so với nộp thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn hay cổ phần của doanh nghiệp.

2) Chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án có phải là chuyển nhượng dự án không?

Theo pháp luật Việt Nam, chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án không phải là chuyển nhượng dự án. Pháp luật Việt Nam quy định hai hình thức này với trình tự và thủ tục hoàn toàn khác nhau, được quy định tại các văn bản pháp lý khác nhau. Giao dịch chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án cần được xử lý đúng với trình tự thủ tục thông báo/đăng ký, thanh toán các nghĩa vụ thuế… của giao dịch chuyển nhượng vốn.

Luật đầu tư đã xây dựng hai cơ chế riêng cho 02 loại giao dịch chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng vốn. Tại Luật đầu tư năm 2020, chuyển nhượng dự án được quy định riêng biệt và cụ thể tại Điều 46, còn giao dịch đầu tư thông qua nhận chuyển nhượng vốn được công nhận là một hình thức đầu tư chính thức tại Điều 21, Điều 24, 25, 26 (nhà đầu tư chỉ cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền khi giao dịch chuyển nhượng vốn thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 26 Luật đầu tư 2020)… Như vậy, sự nhầm lẫn hai khái niệm này chỉ là trong quá trình thi hành pháp luật, do các nhà đầu tư và thậm chí là các cơ quan quản lý có thẩm quyền chưa nắm rõ bản chất pháp lý của 02 phương thức.

3) Hệ quả khi xác định chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án là chuyển nhượng dự án

Việc chưa hiểu đúng và chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa chuyển nhượng dự án và các phương thức khác để chuyển giao quyền phát triển dự án, bao gồm cả chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án là nguyên nhân dẫn đến các sai sót, nhầm lẫn không đáng có, làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Hiện nay nhiều cơ quan quản lý có thẩm quyền thường đưa ra kết luận các giao dịch chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án (bao gồm cả việc tái cơ cấu Công ty Dự án) chính là chuyển nhượng dự án. Quan điểm sai lầm này đã để lại nhiều hệ lụy:

- Buộc nhà đầu tư phải thực hiện thêm các nghĩa vụ của giao dịch chuyển nhượng dự án (mặc dù họ chỉ thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn) tạo gánh nặng về thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thực hiện cho nhà đầu tư.

- Tại một số địa phương, Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Nhà đầu tư phải cung cấp Hợp đồng chuyển nhượng dự án khi làm thủ tục cập nhật các thông tin Dự án sau khi chuyển nhượng vốn hoặc tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Trên thực tế nhiều nhà đầu tư đã gặp phải những yêu cầu “bất khả thi” như vậy khi họ không hề trực tiếp mua bán dự án/phần dự án nào và đương nhiên không thể xác lập Hợp đồng chuyển nhượng dự án để cung cấp theo yêu cầu được.

4) Kết luận

Việc hiểu đúng và phân biệt chuyển nhượng dự án và các phương thức khác để chuyển giao dự án là điều cần thiết để Cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định hợp lý dựa trên văn bản pháp luật sẵn có, nhằm không gây khó khăn, khó dễ tới nhà đầu tư khi thực hiên.

Thực tiễn cho thấy, tại một số địa phương, Cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xây dựng một số quy định nội bộ áp dụng trong phạm vi địa phương đó, theo đó hạn chế một cách triệt để các giao dịch chuyển nhượng vốn của Công ty Dự án, hoặc các giao dịch tái cấu trúc Công ty Dự án trừ khi có văn bản phê duyệt chủ trương của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các chính sách như vậy hiện chưa có căn cứ pháp lý xác đáng để thực hiện. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vẫn nên bổ sung thủ tục riêng biệt cho việc chuyển nhượng vốn của Dự án, theo đó Cơ quan có thẩm quyền có căn cứu pháp lý rõ ràng kể kiểm soát việc thay đổi nhà đầu tư.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN