Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Bình luận điểm mới luật đường bộ số 35/2024/qh15

Bình luận điểm mới luật đường bộ số 35/2024/qh15


Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024 quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, gồm 06 Chương và 86 Điều, thay thế Luật Thủ đô 2012, thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008 với  một số quy định mới đáng chú ý như: Bổ sung mới loại “đường thôn” thuộc đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ, do địa phương quản lý; Quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho các loại xe điện;… cụ thể như sau:

1. Quy định về thay đổi kết cấu hạ tầng

- Phân loại đường bộ: Bổ sung quy định mới về phân loại đường bộ theo hai tiêu chí là cấp quản lý và chức năng phục vụ, cụ thể tại Điều 8 và Điều 9. Đồng thời, lần đầu tiên, loại “đường thôn” thuộc hệ thống giao thông nông thôn được bổ sung vào hệ thống đường bộ quốc gia, do địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Điều này tăng cường tính bao phủ và nâng cao khả năng kết nối giao thông ở vùng nông thôn.

- Quỹ đất dành cho giao thông đô thị: Cụ thể tại Điều 12 quy định về Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ đã đưa ra quy định linh hoạt hơn về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị, dao động từ 11% đến 26%. Đối với các đô thị có yếu tố đặc thù (như thành phố lớn, trung tâm quan trọng), tỷ lệ này tối thiểu phải đạt 50% so với mức quy định chung. Quy định này nhằm phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương, giảm thiểu việc thu hồi đất gây phức tạp về xã hội và pháp lý.

- Xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng: Quy định rõ yêu cầu về vị trí, kích thước và thiết kế của biển quảng cáo để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ trên các tuyến đường (cụ thể tại Điều 18 về Xây dựng, lắp đặt biển quản cáo, biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ). Đặt trách nhiệm cụ thể lên các chủ thể khi tiến hành xây dựng trong phạm vi bảo vệ hạ tầng đường bộ, giảm thiểu nguy cơ vi phạm hoặc gây ảnh hưởng đến giao thông.

- Công trình an toàn giao thông: Tại Điều 26 về Tốc độ thiết kế, tốc độ khai thác và khoảng cách giữa các xe đã quy định phân định rõ ràng giữa tốc độ thiết kế (tốc độ tối đa mà đường có thể chịu được) và tốc độ khai thác (tốc độ cho phép khi sử dụng).

- Trạm dừng nghỉ (tại Điều 39) và giao thông thông minh (tại Điều 40): Yêu cầu về hệ thống sạc điện và công nghệ giao thông thông minh như thu phí tự động thể hiện tầm nhìn dài hạn trong phát triển giao thông bền vững. Quy định tiên tiến và phù hợp với xu thế toàn cầu, nhưng việc triển khai cần được thực hiện đồng bộ để đảm bảo hiệu quả thực tế.

2. Quy định riêng về đường bộ cao tốc

- Quy định riêng về đường bộ cao tốc chi tiết tại Chương III Luật Đường bộ 2024, tạo hành lang pháp lý và chính sách ưu tiên để đạt mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030. Tháo gỡ vướng mắc trong huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách để nâng cấp và mở rộng hệ thống cao tốc.

- Quy định vận hành và khai thác đường cao tốc: Việc chi tiết hóa các yêu cầu về trạm nghỉ, điểm dừng đỗ, và quản lý giao thông là cần thiết để đảm bảo cao tốc hoạt động hiệu quả và phục vụ tốt người dân. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến cao tốc, nhưng cần chú trọng tính minh bạch và đồng bộ trong triển khai.

3. Quy định về vận tải đường bộ

- Phân loại và điều tiết hoạt động vận tải: Tại Điều 56 về Hoạt động vận tải đường bộ phân biệt rõ giữa kinh doanh vận tải (dịch vụ vận tải có thu phí) và vận tải nội bộ (vận chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, tổ chức). Quy định này giúp cơ quan quản lý điều tiết chính sách phù hợp, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các loại hình vận tải.

* Dịch vụ vận tải đặc biệt: Quy định chi tiết về các dịch vụ vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương và đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ. Bổ sung các quy định cho dịch vụ cho thuê phương tiện và dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ.

Kết luận: Luật Đường bộ mới mang tính kế thừa và đổi mới, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, sự thành công của các quy định này phụ thuộc vào năng lực triển khai, sự đồng bộ giữa các chính sách và sự minh bạch trong thực thi. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới hệ thống giao thông hiện đại, an toàn, và bền vững cho Việt Nam.

 



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN