Mức thu nhập thấp, cùng với giá trị của nhà đất đang ngày càng tăng cao, nhu cầu mua nhà ở để ổn định cuộc sống của người dân càng ngày trở nên khó khăn. Cũng vì thế, rất nhiều hộ gia đình lựa chọn việc chấp nhận rủi ro, mua bán nhà không chính thống thông qua các hình thức chưa được pháp luật công nhận. Công ty Luật XTVN đã tham gia giải quyết tranh chấp, xử lý cho rất nhiều vụ việc mà qua đó thấy rằng, việc lựa chọn nhà đất giá rẻ không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hình thức tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.
Mời bạn đọc cùng theo dõi câu chuyện dưới đây:
Anh A từ tỉnh lẻ vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống hơn 10 năm, ở trọ tại Quận B và cùng vợ bắt đầu làm ăn, kinh doanh thông qua nhiều hình thức, nhiều ngành nghề như bán hàng rong, mở tiệm ăn nhỏ lẻ, ....
Năm 2020, sau nhiều năm tích góp, gia đình anh chị có khoản tiền dư 500 triệu đồng, mong muốn tìm một một nơi ở để ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Từ nhiều mối quan hệ làm ăn, anh chị được giới thiệu tới người môi giới nhà đất, người tự nhận là chuyên gia tìm kiếm các căn nhà với mức giá phải chăng và dành cho người có thu nhập thấp.
Người môi giới này đã giới thiệu đến một dãy nhà liền kề chung tường, được xây giống nhau diện tích khoảng 25m2 với giá vừa túi tiền anh chị tích lũy được.
Sau một hồi nghe giải thích của phía chủ nhà và môi giới về việc mua bán nhà đất bằng hình thức vi bằng và giấy tay khác nhau như thế nào, cảm thấy đây là nơi ở phù hợp với diện tích đủ dùng, an ninh trật tự quanh khu vực ổn định và quan trọng là mức giá cùng với phương án thực hiện đưa ra hợp lý, anh quyết định chọn mua bằng hình thức vi bằng bởi anh nghe có công chứng là an tâm. Hôm sau, các bên đến văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng xác lập giao dịch.
Dọn về nhà mới, anh chị hào hứng với những kế hoạch, dự định kinh doanh sắp tới, quyết tâm kiếm lại đủ số tiền đã mua nhà và nghĩ đến tương lai phía trước. Đón hai con từ quê ra chưa được bao lâu, bỗng nhiên có một đôi vợ chồng từ nơi khác đến, đưa ra hợp đồng mua bán cũng có lập vi bằng xác lập giao dịch, yêu cầu anh chị ra khỏi ngôi nhà. Vụ việc tranh chấp kéo dài, vẫn chưa thể giải quyết được do người bán nhà đã biến mất, không thể liên lạc được.
Biết rằng không thể tìm được người bán, anh A đã tìm đến Công ty Luật XTVN, mong muốn hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng anh chị. Được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ Luật sư XTVN, anh chị cùng với Luật sư đã có những buổi làm việc để giải quyết được tranh chấp, đi để một thỏa thuận chung mà các bên đều có thể chấp nhận được.
Như vậy, vi bằng không có giá trị pháp lý nên những giao dịch bắt buộc phải công chứng chứng thực, hoặc có ảnh hưởng và rủi ro lớn đối với các bên tham gia giao dịch thì không nên lập vi bằng giao dịch đó.
Bên cạnh đó, Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ghi nhận:
“Điều 37: Các trường hợp không được lập vi bằng
5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.”
Do đó, người mua nhà, đặc biệt là đối với những người mua mà ngân sách có hạn mức, cần đặc biệt lưu ý tới tình trạng pháp lý của ngôi nhà đó trước khi đặt bút ký và chuyển tiền cho người bán.