Có muôn vàn sự kiện
pháp lý xảy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Mỗi tình huống pháp lý Qúy khách hàng mang đến
với Luật XTVN là mỗi màu sắc riêng trong đời sống pháp luật. Trường hợp của anh
B, chị L dưới đây cũng là một điển hình, đôi khi tưởng chừng là những điều đơn
giản, dễ thấy trong cuộc sống nhưng cũng khiến người gặp phải đắn đo, thậm chí
là bế tắc trong phương án giải quyết. Mời bạn đọc cùng theo dõi câu chuyện khai
sinh cho con của anh B và chị L dưới đây:
Chị L quê ở Nghệ
An, anh B quê ở Tuyên Quang, cả hai cùng làm việc trong một công ty xuất khẩu
giày da tại Hà Nội. Anh B và chị L đem lòng yêu thương nhau, cùng sống chung
như vợ chồng.
Chị L mang thai, cả hai anh chị vỡ òa hạnh
phúc. Để con sinh ra thuận lợi, có đầy đủ giấy tờ pháp lý, nhưng vì điều
kiện tài chính còn hạn hẹp, anh chị quyết định không vội tổ chức đám cưới mà chỉ
có gia đình hai bên gặp mặt nói chuyện, rồi cặp đôi trẻ đi đăng ký kết hôn với
nhau. Nhưng chuyện đâu ngờ, anh B bị tai nạn giao thông gãy chân, không thể đi
lại. Đến khi anh B sức khỏe hồi phục cũng là lúc chị L ở giai đoạn cuối thai kỳ,
bác sĩ khuyến nghị không nên di chuyển xa, tránh ảnh hưởng đến việc sinh nở.
Chính vì vậy, hai anh chị quyết định sẽ kết hôn sau khi sinh em bé.
Đến ngày dự sinh,
chị L thuận lợi sinh được một bé gái đáng yêu. Khi con được hơn 2 tháng tuổi, anh
chị quyết định về quê đăng ký kết hôn và làm khai sinh cho con. Việc đăng ký kết
hôn diễn ra thuận lợi, nhưng đăng ký khai sinh cho con lại vướng về mặt giấy tờ.
Khi được cán bộ hộ tịch hỏi Giấy xét nghiệm ADN chứng minh quan hệ cha con giữa anh B và con gái, cả hai ngơ ngác không hiểu cần giấy đó để làm gì. Lúc này, cán bộ hộ tịch xã mới giải thích do cháu sinh ra khi bố mẹ chưa đăng ký kết hôn, cần phải làm giấy tờ chứng minh đây là con chung của hai vợ chồng thì mới thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu được. Trường hợp của anh chị là phải kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký khai sinh và nhận cha, con. Lần đầu gặp phải tình huống như vậy, vợ chồng chị L vô cùng lo lắng: “Sợ nhỡ không có đủ giấy tờ đăng ký khai sinh cho con thì sao? Giờ biết tìm ở đâu bệnh viện làm xét nghiệm này? Đi đến bệnh viện xét nghiệm ADN có tốn kém không…”, anh chị càng lo lắng hơn bội phần. bởi từ khi sinh con, ngoài giấy chứng sinh của bệnh viện thì anh chị không có bất kỳ một giấy tờ nào khác, ảnh chụp chung của anh chị cũng không có nhiều, chỉ vài ba tấm ảnh kỷ niệm.
Không biết hướng giải quyết, anh chị tìm đến văn phòng Luật
XTVN với mong muốn được tư vấn, hỗ trợ thủ tục liên quan đến đăng ký khai sinh
cho con.
Hiểu được hoàn cảnh của hai vợ chồng, Luật XTVN hướng dẫn anh
chị thực hiện thủ tục theo diện không có
chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con (Giấy xét nghiệm ADN). Theo đó, vợ chồng
chị L chỉ cần lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, đồng thời, có
ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con là có thể thực hiện
đăng ký khai sinh cho cháu. Bên cạnh đó, luật sư của XTVN cũng không quên việc
giải thích rõ ràng, chi tiết cho hai vợ chồng chị L về trách nhiệm, hệ quả pháp
lý của việc cam đoan không đúng sự thật về việc đăng ký xác nhận cha cho con.
Được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của luật sư XTVN, vợ chồng
chị L hiểu rõ hơn về quy định và đã về nhà nhờ bố mẹ anh B, họ hàng đến làm chứng
về quan hệ của anh chị và cháu. Vì vậy, việc kết hợp đăng ký khai sinh và xác
nhận cha con của anh chị cũng phần nào dễ dàng, nhanh chóng hơn những trường hợp
khác. Nhận được giấy khai sinh của con, vợ chồng chị L vui mừng khôn xiết.
Mọi vấn đề pháp lý đều trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta hiểu và nắm được các quy định của pháp luật. Nếu bạn cảm thấy khó khăn, hãy liên hệ với Luật XTVN mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi sẽ đem đến những giá trị tích cực nhất, đảm bảo sự hài lòng của Qúy khách hàng.
Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy
định:
“Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ
hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ
chồng.
...
Con sinh ra trước ngày đăng
ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”
Điều 14, khoản 1 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng
dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch quy định:
“Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ
cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ
tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám
định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác
nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh
quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha,
mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều
5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”
“Điều 15. Kết hợp giải quyết việc đăng ký
khai sinh và nhận cha, mẹ, con
1. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có
người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú
của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký
nhận cha, mẹ, con.”