Góc nhìn pháp lý
Tổ chức hành nghề luật sư là một chủ thể kinh doanh được hình thành bởi một hoặc nhiều luật sư để tham gia vào việc hành nghề luật.
Theo quy định về đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý: Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều tổ chức kinh tế hoạt động dưới hình thức công ty tư vấn nói chung, với đăng ký ngành nghề không liên quan đến tư vấn pháp lý, nhưng vẫn hoạt động tư vấn pháp lý.
Với bài viết này, XTVN đưa ra các tiêu chí dễ nhận biết để phân biệt rõ Tổ chức hành nghề luật sư (có chức năng tư vấn pháp lý) và Doanh nghiệp thông thường.
1. Đối với tổ chức hành nghề luật sư
Tổ chức hành nghề luật sư gồm có:
a) Văn phòng luật sư, Công ty luật:
- Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư.
+ Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.
+ Công ty luật TNHH: Hai thành viên trở lên và Một thành viên.
Một tổ chức hành nghề luật sư phải được được dưới sự quản lý của Sở Tư Pháp bởi nó là ngành nghề có điều kiện, điều kiện ở đây là các điều kiện về tiêu chuẩn ngành nghề.
2. Các đặc điểm nhận diện, phân biệt
a) Phân biệt qua tên công ty
Theo Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi bổ sung 2012) thì dù loại hình là công ty TNHH hay công ty hợp danh thì cấu trúc tên công ty luật sẽ được quy định chung như sau (chữ LUẬT phải đứng trước LOẠI HÌNH CÔNG TY + tên riêng công ty luật)
Ví dụ:
- CÔNG TY LUẬT TNHH ABC -> Công ty Luật
- CÔNG TY TNHH LUẬT ABC -> Không phải công ty Luật, không được điều chỉnh bởi Luật luật sư, không được sự quản lý của Sở Tư pháp mà là công ty thương mại đăng ký và hoạt động dưới sự quản lý của Bộ KH&ĐT
b) Mã số thuế, số đăng ký và mẫu dấu
- Số đăng ký và mã số thuế:
+ Đối với công ty thông thường: Đăng ký ở sở kế hoạch và đầu tư thì hiện nay mã số doanh nghiệp và mã số thuế là một.
+ Đối với công ty Luật, số đăng ký ở Sở Tư pháp và mã số thuế ở Cục thuế là hai số khác nhau
- Công ty Luật thuộc sự quản lý của Sở Tư Pháp do đó khi tìm kiếm thông tin trên trang đăng ký kinh doanh quốc gia: http://dangkykinhdoanh.gov.vn/ thì chắc chắn sẽ không tim ra. Còn nếu tìm ra trên trang này thì chắc chắn đó không phải là công ty Luật
- Mẫu dấu:
+ Đối với công ty thông thường đăng ký theo luật Doanh nghiệp thì hiện nay được tự quyết định số lượng, mẫu dấu của mình và không còn phải đăng ký quản lý ở cơ quan công an.
+ Đối với công ty luật thì mẫu dấu vẫn được đăng ký ở cơ quan công an và số lượng, mẫu dấu phải tuân theo quy định, Do đó nếu công ty cung cấp dịch vụ không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu của cơ quan công an thì đó cũng không phải là công ty Luật
c) Về ngành nghề và phạm vi hoạt động:
- Chỉ có tổ chức hành nghề luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác
- Đối với công ty thông thường hoạt động trong phạm vi ngành nghề đăng ký kinh doanh đã đăng ký theo quy định pháp luật.
d) Pháp luật điều chỉnh
- Công ty Luật: Luật luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan
- Công ty thông thường: Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan