Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc, nên hay không nên?

Đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc, nên hay không nên?

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Theo khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì xe cơ giới là xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự) là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008. Bảo hiểm mô tô, xe máy là tên thường dùng để chỉ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy.

Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, bảo hiểm mô tô, xe máy được thể hiện thông qua giấy chứng nhận bảo hiểm, đây là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự giữa chủ xe với doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện nay có nhiều đề xuất về việc bỏ bảo hiểm mô tô, xe máy đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, với nhiều ý kiến trái chiều.

Hiện nay, bảo hiểm mô tô, xe máy vẫn là loại bảo hiểm bắt buộc. Bên cạnh đó, điểm a, khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm mô tô, xe máy) còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

1)            Lợi ích của bảo hiểm mô tô, xe máy

Xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu ở Việt Nam. Trong năm 2022, thị trường xe máy Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 3,003 triệu xe, tăng trưởng hơn 20,5% so với năm trước. Với số lượng người sử dụng xe máy lớn, không tránh khỏi việc tai nạn xe máy chiếm phần lớn trong hàng nghìn, hàng chục nghìn tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam (theo thống kê Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn đường bộ xảy ra 10.200 vụ, làm chết 5.677 người, bị thương 6.949 người trong 11 tháng đầu năm 2022).

Phương tiện cơ giới luôn luôn được xem là nguồn nguy hiểm cao độ, vậy nên cần phải có giải pháp bảo đảm tài chính thông qua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới giảm thiểu tác động lớn đến xã hội trong trường hợp xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông. Bảo hiểm mô tô, xe máy bắt buộc là phương án được sử dụng để đảm bảo trách nhiệm về tài chính này.

Nếu không may xảy ra tai nạn, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, không đủ năng lực tài chính, không thể bồi thường cho nạn nhân, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả cho người bị tai nạn giao thông. Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm thì các nạn nhân cũng được hưởng hỗ trợ nhân đạo từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Đây là ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc này.

Mức chi cho bảo hiểm mô tô, xe máy tương đối nhỏ so với giá trị bồi thường mà loại bảo hiểm này mang lại. Theo quy định tại mục A, Phụ lục I Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về mức phí bảo hiểm cho thời hạn bảo hiểm trong 1 năm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng): (i) Mô tô 2 bánh là từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng; (ii) Mô tô 3 bánh là 290.000 đồng; (iii) Xe gắn máy: từ 55.000 đồng đến 290.000 đồng

Trong khi đó, căn cứ theo Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, người mua bảo hiểm mô tô, xe máy được bồi thường tối đa lên đến 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và  tối đa lên đến 50 triệu đồng đối với thiệt hại về tài sản do mô tô, xe máy gây ra.

Về bản chất thì loại bảo hiểm này có giá trị nhân văn, đảm bảo quyền lợi của bên thiệt hại khi vụ tai nạn giao thông xảy ra. Trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông như Việt Nam hiện nay thì bảo hiểm mô tô, xe máy giải quyết được khó khăn cho nhiều gia đình nạn nhân khi không may bị tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng người gây tai nạn bỏ trốn do sợ phải bồi thường.

Theo thống kê về doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy đạt khoảng 1.077 tỉ đồng. Số tiền bồi thường bảo hiểm cho mô tô, xe máy 27 tỉ đồng. Về dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định đối với mô tô, xe máy là 83 tỉ đồng.

                                                                                      (Hình minh họa)

2)            Đề xuất bỏ bảo hiểm mô tô, xe máy bắt buộc, nên hay không nên

Trên lý thuyết, bảo hiểm mô tô, xe máy đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập mà loại bảo hiểm bắt buộc này ngăn cản người dân xảy ra tai nạn giao thông có tâm lý ngại, lười liên hệ với doanh nghiệp bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình, có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, với hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc vẫn rườm rà, dẫn đến tâm lý người dân mua bảo hiểm vì bắt buộc, không phải vì nhìn thấy lợi ích khi sử dụng bảo hiểm. Cần phải tiếp tục điều chỉnh, tinh gọn, hoàn thiện quy trình thủ tục để làm sao cho người dân dễ tiếp cận, đặc biệt là những phần trong trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước.

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, để được hưởng quyền lợi, người dân phải cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm hàng loạt tài liệu bổ sung vào hồ sơ bồi thường như: Văn bản yêu cầu bồi thường theo mẫu; Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe như giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng thực cá nhân, giấy chứng nhận bảo hiểm; Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe như: Giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ bệnh án, trích lục khai tử, …; Tài liệu chứng minh thiệt hại với tài sản: Hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh sửa chữa; Biên bản giám đinh của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền; …

Đối với quy định về hồ sơ Nghị định 67/2023/NĐ-CP đã có sự lược bỏ về hồ sơ so với Nghị định 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đặc biệt đối với mục: Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, với đa phần người dân, việc sau khi gây tai nạn hoặc bị tai nạn, đi thu thập đầy đủ toàn bộ các hồ sơ, giấy tờ nêu trên vẫn là việc vô cùng khó khăn, khiến cho đa phần người dân có tâm lý cố gắng thỏa thuận đến một mức chi phí có thể chấp nhận được và bỏ qua các lợi ích của bảo hiểm.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện hơn nữa các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đơn giản hóa nhiều thủ tục bồi thường, rút ngắn được thời gian giải quyết bồi thường, giảm thời gian giải ngân tiền bồi thường thương tật để giúp cho cả doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới và nạn nhân thực hiện được dễ dàng hơn.

Ví dụ như đối với danh mục hồ sơ nêu trên, đa phần các hồ sơ, tài liệu có thể cung cấp và kí xác nhận trên hệ thống dữ liệu online của doanh nghiệp bảo hiểm, bệnh viện, cơ quan quản lý dân cư và công an. Vậy nếu các hồ sơ trên có thể kết nối với nhau, các cơ quan chức năng dựa trên việc yêu cầu cung cấp thông tin của người bị tai nạn hoặc người gây tai nạn nhằm mục đích gửi trực tiếp hồ sơ đó cho doanh nghiệp bảo hiểm thống kê, giúp rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường.

Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng chất lượng dịch vụ bảo hiểm nhằm thỏa mãn tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm là đầu mối, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động chi trả đối với người bị tai nạn hoặc người gây tai nạn.

 

Kết luận lại, từ những luận điểm nêu trên, không thể phủ nhận bảo hiểm nói chung và bảo hiểm xe máy bắt buộc nói riêng rất thiết thực, lợi ích mà nó đem lại rất quan trọng cho người tham gia và xã hội. Không nên loại bỏ hoàn toàn bảo hiểm xe máy bắt buộc, mà cần tiếp tục thu hẹp loại trừ bảo hiểm, tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông, đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm… để đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông và khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN