Vì lý do an ninh hay công việc nên hiện
nay việc lắp đặt camera đã trở nên phổ biến tại các gia đình, vậy chúng ta cùng
tìm hiểu các quy định có liên quan về vấn đề này để đảm bảo việc lắp đặt camera
đạt được mục đích và không vi phạm các quy định pháp luật.
Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng
tư, bí mật cá nhân đã được ghi nhận tại Điều 21 trong Hiến pháp năm 2013:
“Mọi
người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật
gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông
tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo
đảm an toàn”.
Bên cạnh đó, quyền về đời sống riêng tư,
bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều
38 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
+ Những thông tin liên quan đến đời sống
riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật
bảo vệ;
+ Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công
khai các thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người
đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai các thông tin liên quan đến
bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật
có quy định khác;
+ Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ
liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được
đảm bảo an toàn và bí mật; …
Căn cứ các quy định nêu trên, hành vi tự ý
lắp đặt camera hướng sang hàng xóm là đang vi phạm đến quyền về đời sống riêng
tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nên hành vi thu thập, lưu giữ, sử dụng,
công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân không được
sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý nếu có căn cứ cụ
thể.
Dù mục đích sử dụng
camera là hợp pháp, nhưng nếu cá nhân lạm dụng để vi phạm pháp luật và trong
trường hợp nếu thỏa mãn các điều kiện thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính,
nghiêm trọng hơn sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Nếu thực hiện hành vi lắp camera hướng
sang nhà hàng xóm để thu thập các thông tin trái với mong muốn của cá nhân sau
đó sử dụng những nguồn tài liệu này để cung cấp chia sẻ thông tin sai sự thật,
xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của các cá nhân này thì có thể sẽ bị áp dụng
mức xử phạt hành chính. Căn cứ theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi
Nghị Định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi vi phạm các quy định về trách
nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông
qua mạng xã hội được quy định cụ thể như sau:
Mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi
vi phạm lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật
nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức cũng như danh dự,
nhân phẩm của cá nhân sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng;
Trong đó cũng áp dụng đối với các hành vi như cung cấp chia sẻ thông tin cổ súy
các hủ tục mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy hoặc những thông tin không phù hợp
với thuần phong, mỹ tục của dân tộc..
Trường hợp, thực hiện hành vi lắp camera
quay sang nhà hàng xóm rồi phát tán các hình ảnh, video gia đình nhà hàng xóm
lên mạng xã hội ở chế độ công khai với lời lẽ chế giễu, xúc phạm nghiêm trọng
nhân phẩm, danh dự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội làm nhục
người khác theo Điều 155 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm
2017.
Tội làm nhục người khác được xác định nếu
cá nhân có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì
bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo
không giam giữ đến 3 năm; nếu hành vi nghiêm trọng hơn, cá nhân có thể bị áp dụng
mức phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; hình phạt tù với mức tối đa là 5 năm đối với
trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, trong quy định của Điều 155 Bộ Luật
Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng ghi nhận người phạm tội có thể bị cấm
đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05
năm.