Câu hỏi của độc
giả: Sát ngày vía Thần tài, giá vàng tăng mạnh, biên độ giữa giá mua, giá bán
chênh lệch cao. Điều này dẫn tới tình trạng trên các hội nhóm mua bán, trao đổi
vàng, người nắm giữ vàng rao bán rất nhiều, đặc biệt là vàng miếng SJC. Xin hỏi
việc mua bán vàng miếng SJC qua mạng có vi phạm quy định pháp luật không?
Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH XTVN
xin được giải đáp câu hỏi này cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 10
Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng
miếng thì hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực
hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy
phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Như vậy, theo
quy định hiện hành thì tổ chức, cá nhân không được cấp phép kinh doanh mua bán
vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định
tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nếu các doanh
nghiệp bán vàng trang sức mỹ nghệ, cá nhân không được cấp phép kinh doanh vàng
miếng nhưng vẫn giao dịch với người dân, hoặc người dân tự trao đổi mua bán
vàng với nhau là hoạt động trái quy định và sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, theo Điều
3 và Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, tổ chức mua bán vàng miếng với tổ chức
tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ
bị xử phạt cảnh cáo. Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt
tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Còn cá nhân mua bán vàng miếng với tổ
chức tín dụng, doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ
bị xử phạt cảnh cáo. Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt
tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc
kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính
và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Theo Điều 17
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ
300.000-500.000 đồng đối với người nào thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa
không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà hàng hoá có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ
càng lớn nếu như giá trị hàng hoá càng lớn, trong đó phạt tiền từ 40-50 triệu đồng
đối với cá nhân nào vi phạm mà hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Ngoài bị phạt
tiền người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung là tịch thu tang vật và biện pháp
khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Vì vàng là hàng
hóa thuộc danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện (Mục 226 Luật Đầu tư 2020),
do vậy theo Khoản 4, Khoản 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi
Nghị định 17/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là
100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp chủ
thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của Luật sư Công ty
Luật TNHH XTVN về câu hỏi
pháp lý liên quan đến việc mua bán vàng miếng SJC qua mạng thông qua các hội nhóm
trao đổi vàng. Hãy liên
hệ chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất,
đảm bảo đúng quy định pháp luật.