Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Năm 2025 tổ chức họp báo không xin phép bị xử phạt bao nhiêu tiền?


Trong thời đại công nghệ số, việc tổ chức họp báo không chỉ là phương tiện truyền thông hiệu quả mà còn là cách để các cá nhân, tổ chức công bố thông tin quan trọng. Tuy nhiên, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trường hợp tổ chức họp báo không được cấp phép, đặc biệt trong giới nghệ sĩ và các nhà sáng tạo nội dung. Điều này đặt ra câu hỏi về quy định pháp luật liên quan đến việc tổ chức họp báo và các chế tài xử phạt khi vi phạm. Hãy cùng Luật XTVN trao đổi qua bài viết dưới đây.

Công dân muốn mở họp báo có cần phải xin phép không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật Báo chí 2016, Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này (Bao gồm: Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh…) và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí.

Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây:

       Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;

       Cơ quan, tổ chức không trực thuộc trung ương và công dân thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.

Nội dung thông báo phải bao gồm những thông tin sau: địa điểm họp báo, thời gian họp báo, nội dung họp báo, người chủ trì họp báo.

Như vậy, công dân tổ chức họp báo phải xin phép bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Năm 2025 tổ chức họp báo không xin phép bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định họp báo như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về họp báo

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận hoặc không đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí”.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 4. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”.

Như vậy, năm 2025 tổ chức họp báo không xin phép có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm và từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với cá nhân vi phạm.

Công dân có được tiến hành họp báo khi cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời về việc họp báo không?

Căn cứ Khoản 5 Điều 41 Luật Báo chí 2016 có quy định như sau:

5. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại Khoản 3 Điều này; trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.

Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí”.

Như vậy, trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không có văn bản trả lời về việc họp báo thì công dân được tiến hành họp báo. Tuy nhiên nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Tổ chức họp báo là một hoạt động quan trọng, nhưng cần được thực hiện đúng quy định pháp luật để đảm bảo tính hợp pháp và tránh các rủi ro pháp lý. Các cá nhân và tổ chức, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng lớn như nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung, cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật để góp phần xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh và chuyên nghiệp.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN