+84865766989
Trong thời đại công nghệ
số ngày nay, chỉ một cú nhấp chuột có thể đưa người tiêu dùng đến hàng loạt các
sản phẩm quảng cáo với những lời hứa hẹn "chữa khỏi mọi bệnh" chỉ sau
vài ngày sử dụng. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời gọi hấp dẫn này là những
chiếc bẫy hàng giả, quảng cáo sai sự thật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe
và túi tiền người tiêu dùng.
Mới đây, nhiều sản phẩm được
quảng cáo là thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã bị cơ quan chức năng cảnh báo hàng
giả, chưa kể đến việc không đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm này thường được
quảng cáo với các công dụng thần kỳ như giảm đau xương khớp, ổn định đường
huyết nhanh chóng, hay giảm mỡ nội tạng chỉ sau một thời gian ngắn. Các video
quảng cáo thổi phồng công dụng, sử dụng hình ảnh của bệnh nhân "trước và
sau" khi dùng sản phẩm và thậm chí mạo danh các bác sĩ, chuyên gia y tế để
tạo độ tin cậy giả tạo. Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng, như một số trường
hợp đã được ghi nhận, rơi vào bẫy quảng cáo này, bỏ ra số tiền lớn để mua các
sản phẩm với lời hứa hẹn sẽ chữa trị các bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau
khi sử dụng, họ không thấy hiệu quả như quảng cáo và đôi khi còn gặp phải tình
trạng sức khỏe tồi tệ hơn.
Theo quy định của pháp luật, hành vi sản xuất, buôn
bán hàng giả, bao gồm thực phẩm chức năng và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đều
bị nghiêm cấm và được xử lý nghiêm minh. Điều 193 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung
năm 2017) quy định rõ về hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là lương thực,
thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Cụ thể, khoản 1 quy định mức phạt tù từ 2 năm đến
5 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ
gia thực phẩm. Đặc biệt, nếu hành vi có tổ chức hoặc gây thiệt hại lớn, mức án
có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra hiện nay, việc quảng cáo
thực phẩm được quy định chặt chẽ tại nhiều văn bản luật khác như: Luật Quảng
cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP, Luật An toàn
thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, và Thông tư số 09/2015 của Bộ Y
tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ
đặc biệt.
Mặc dù pháp luật đã có những quy định nghiêm khắc, các
lực lượng chức năng đã tăng cường triệt phá các đường dây sản xuất, kinh doanh
thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhưng hiện nay tình hình sản xuất, buôn
bán sản phẩm giả vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng ngày càng sử
dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là lợi dụng mạng xã hội và internet để
tiêu thụ sản phẩm ngoài các kênh phân phối chính thống. Trước thực trạng này,
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời thường xuyên cảnh báo
người dân về cách nhận biết sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản gửi Uỷ ban nhân
dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai đợt cao
điểm kiểm tra, xử lý các cơ sở và đầu mối phân phối sản phẩm vi phạm. Bên cạnh
đó, là tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, xác minh
nguồn gốc hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, và xử lý nghiêm các
trường hợp vi phạm. Ngoài công tác kiểm tra, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tầm quan
trọng của truyền thông, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại
của thuốc giả, nâng cao nhận thức cộng đồng; thúc đẩy bán thuốc theo đơn và sử
dụng thuốc an toàn.
Để hỗ trợ người dân trong việc xác minh thông tin sản
phẩm, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế xây dựng hệ thống tra cứu trực tuyến tại địa
chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn /congbothuoc/index. Tại đây, người dùng có
thể tra cứu thông tin bằng cách chọn mục “Tra cứu số đăng ký”, nhập số đăng ký
hoặc tên thuốc, sau đó nhấn “Tìm kiếm” để hiển thị kết quả. Hệ thống sẽ cung
cấp đầy đủ thông tin như: tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hàm lượng và
hướng dẫn sử dụng đã được phê duyệt. Đây là công cụ hữu ích, giúp người tiêu
dùng kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng sản phẩm trước khi sử dụng.
Trên đây là toàn bộ nội dung chia sẻ của Luật sư chúng tôi
Công ty Luật XTLaw, xin cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.