Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Những điểm mới đáng chú ý của luật tổ chức tòa án nhân dân 2024 áp dụng từ ngày 01/01/2025


Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống tư pháp Việt Nam. Đây là nỗ lực tăng cường độc lập tư pháp, đảm bảo tòa án thực hiện tốt vai trò bảo vệ công lý và quyền lợi hợp pháp của người dân. Dưới đây là những điểm mới nổi bật nhất:

1.      Xác định rõ nội hàm quyền tư pháp của Tòa án nhân dân

Trước đây, khái niệm "quyền tư pháp" trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 chưa được định nghĩa rõ ràng. Điều này gây khó khăn trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Tòa án. Luật năm 2024 khắc phục điều này bằng quy định tại khoản 1 Điều 3 như sau:

"Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử."

Lần đầu tiên pháp luật đề cập cụ thể quyền tư pháp giúp xác định rõ vai trò và giới hạn chức năng của Tòa án, tránh xung đột với quyền hành pháp và quyền lập pháp.

2.      Điều chỉnh nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án nhân dân

Loại bỏ thẩm quyền không thuộc chức năng xét xử

Luật mới đã loại bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án, vốn được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3 Luật năm 2014. Việc khởi tố vụ án hình sự được giao cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân, đảm bảo rõ ràng chức năng của từng cơ quan.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn mới

Luật bổ sung hai nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án (tại Điều 3, 27, và 31):

-         Xét xử vi phạm hành chính: Quy định này cho phép Tòa án tham gia xử lý những trường hợp vi phạm hành chính nghiêm trọng, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

-         Giải thích pháp luật trong xét xử: Nội dung này lần đầu tiên được bổ sung, tăng cường vai trò bảo đảm đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật.

Ngoài ra, Luật Tổ chức Tòa án năm 2024 cũng bổ sung quy định nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm tại các Điều 23, 24 và 25.

Điều chỉnh quy trình thu thập chứng cứ

Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và vai trò hỗ trợ của Tòa án khi cần thiết. Tòa án có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu nếu các bên không thể tự thu thập được. Điều này đảm bảo sự cân bằng giữa quyền tự chủ của các bên và trách nhiệm của Tòa án trong việc làm sáng tỏ vụ án.

Phân định rõ thẩm quyền theo cấp xét xử (Điều 23 - 25)

-         Sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện việc đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ và đưa ra phán quyết đầu tiên.

-         Phúc thẩm: Tòa án cấp phúc thẩm xem xét các kháng cáo, kháng nghị, sửa chữa sai sót của cấp sơ thẩm.

-         Giám đốc thẩm và tái thẩm: Xét lại các bản án đã có hiệu lực trong trường hợp có sai sót nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới.

Mở rộng và làm rõ quyền hạn Tòa án (Điều 26 - 38)

Luật bổ sung nhiều quyền hạn mới, bao gồm:

-         Quyết định các vấn đề liên quan đến quyền con người và quyền tổ chức, cá nhân.

-         Áp dụng án lệ để tăng tính thống nhất trong xét xử.

-         Tổng kết thực tiễn xét xử, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

-         Tham gia hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực tư pháp.

3.      Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

Điều 4, 62 và 63 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, bao gồm các lĩnh vực như kinh tế, lao động, gia đình, hành chính,… dựa trên tính cấp thiết và tình hình hiện nay vì thực tế phát sinh rất nhiều loại án khó, phức tạp, số lượng vụ án giải quyết ngày càng gia tăng nên đòi hỏi đội ngũ thẩm phán có chuyên môn sâu để giải quyết. Quy định này hướng tới việc xử lý chuyên sâu, nhanh chóng, đảm bảo chất lượng xét xử, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp và góp phần tăng uy tín quốc tế trong hệ thống tư pháp Việt Nam.

4.      Quy định về thẩm phán

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 nhấn mạnh vai trò của thẩm phán trong xét xử, tăng cường tính độc lập và trách nhiệm cá nhân. Quy định mới bao gồm: Ngạch, bậc thẩm phán; Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân (các Điều 94, 95); Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 96); Nhiệm kỳ của thẩm phán (Điều 100); Chế độ, chính sách đối với thẩm phán.

Ngoài ra, Điều 135 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 cũng quy định rõ về nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử, bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan theo quy định của pháp luật và quy định của Tòa án nhân dân Tối cao.

5.      Quy định về Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, ng chức, viên chức và người lao động của Tòa án

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 đã bổ sung quy định về trách nhiệm chung của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Tòa án (Điều 73); bổ sung quy định về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân gồm: Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán Tòa án nhân dân, thẩm tra viên Tòa án, thư ký Tòa án (Điều 74); Sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm tra viên Tòa án, thư ký Tòa án (các điều từ 111 đến 119).

6.      Quy định về Hội thẩm

Chương VI Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chế định Hội thẩm như: Luật đã bổ sung quy định về vị trí, vai trò của Hội thẩm, Tiêu chuẩn của Hội thẩm (độ tuổi, không đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật…); bổ sung quy định về những người không được làm Hội thẩm; về việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm; chế độ, chính sách đối với Hội thẩm và các điều kiện bảo đảm hoạt động của hội thẩm.

Kết luận: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 mang tính cách cấp tiến, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định mới sẽ phụ thuộc nhiều vào công tác triển khai và giám sát.

 



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN