Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Phân tích pháp lý vụ bé gái 4 tuổi bị người lạ đưa ra khỏi trường mầm non



Chiều ngày 13/1, tại trường mầm non Thiên Hương (TP Hải Phòng) đã xảy ra vụ việc bé gái 4 tuổi bị đưa ra khỏi trường bởi một người lạ. Vụ việc không chỉ dừng lại ở việc gây hoang mang dư luận, mà còn làm nổi bật nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến quyền bảo vệ trẻ em, trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh và hình phạt dành cho người vi phạm. Hiện nay, cháu bé đã được tìm thấy, cơ quan chức năng đang thực hiện lấy lời khai, làm rõ hành vi của đối tượng trên. Dưới đây là phân tích chi tiết các khía cạnh pháp lý trong vụ việc.

1. Hành vi của người lạ: Xét theo quy định pháp luật

Dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, người thực hiện hành vi đưa bé gái ra khỏi trường mà không có sự đồng ý của phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp có thể bị xử lý theo các tội danh sau:

1.1. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 BLHS 2015)

Hành vi đưa trẻ em đi mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có thể bị coi là tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Đây là một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù, cụ thể:

- Hành vi dùng vũ lực, đe dọa hoặc thủ đoạn khác để chiếm giữ người dưới 16 tuổi bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.

- Nếu phạm tội có tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, lợi dụng chức vụ, đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, hoặc gây thương tích (31% trở lên), mức phạt tăng lên từ 5 đến 10 năm.

- Trường hợp phạm tội chuyên nghiệp, đối với 6 người trở lên, gây rối loạn tâm thần nặng (46% trở lên) hoặc làm chết nạn nhân, mức phạt là 10 đến 15 năm tù.

- Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

1.2. Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS 2015)

Nếu cơ quan điều tra xác định người này có ý định bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc hoặc đạt được lợi ích vật chất, hành vi sẽ bị xử lý theo tội danh này. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được áp dụng với nhiều khung hình phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.

- Hình phạt cơ bản là phạt tù từ 2 đến 7 năm đối với hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Nếu phạm tội có tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, dùng vũ khí nguy hiểm, bắt cóc trẻ dưới 16 tuổi, hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, gây thương tích (11%-30%) hoặc rối loạn tâm thần (11%-45%), thì mức án tăng lên từ 5 đến 12 năm.

- Trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, gây thương tích (31%-60%) hoặc rối loạn tâm thần nặng (46% trở lên), khung hình phạt là 10 đến 18 năm tù.

- Hình phạt cao nhất, từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân, áp dụng khi chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, làm chết người, hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm thần nhiều người.

2. Trách nhiệm pháp lý của nhà trường

Nhà trường mầm non Thiên Hương có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho trẻ em trong suốt thời gian trẻ ở trường. Tuy nhiên, vụ việc cho thấy có những thiếu sót nghiêm trọng trong công tác quản lý, dẫn đến nguy cơ pháp lý đối với nhà trường. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục này, làm rõ quy trình đưa đón học sinh để truy trách nhiệm đồng thời để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Trường hợp đã có quy trình đưa đón học sinh mà giáo viên hoặc người quản lý của cơ sở giáo dục này, người có chức trách nhiệm vụ có liên quan không thực hiện đúng quy trình do thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của bộ luật hình sự.

Trường hợp thiếu trách nhiệm nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng phải xem xét xử lý kỷ luật. Trường hợp cơ sở giáo dục và đào tạo chưa có quy trình đưa đón học sinh, còn sơ hở trong công tác quản lý để đảm bảo an toàn cho học sinh cần phải bổ sung kịp thời để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thời gian ở trường học.

Kết luận: Vụ việc trên là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với nhà trường mà còn đối với xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định tương đối đầy đủ, nhưng việc thực thi cần được chú trọng và siết chặt hơn để bảo đảm rằng trẻ em luôn được sống và học tập trong môi trường an toàn nhất.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN