Trong bối cảnh việc chấp hành pháp luật giao thông đang là vấn
đề nóng ở Việt Nam, việc khuyến khích người dân tham gia giám sát và báo cáo
hành vi vi phạm giao thông được xem là một giải pháp hiệu quả. Điều này được thể
hiện qua Nghị định 176/2024/NĐ-CP, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
1. Quy định chi tiết
mức thưởng
Cụ thể, tại các Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định
176/2024/NĐ-CP đã quy định về nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt
vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, nổi bật là nội
dung chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức
cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao
thông. Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong
công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, căn cứ khoản 3 điều 7 về
mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm
hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi
phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1
vụ, việc.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các cá nhân hay tổ chức khi cung cấp
thông tin phản ánh về vi phạm giao thông có thể được thưởng tối đa đến 5 triệu
đồng của 1 vụ, việc.
2. Cách gửi thông tin,
hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông
2.1. Phản ánh bằng ứng
dụng VNeTraffic
Kể từ 1/1/2025, ứng dụng VNeTraffic là kênh giao tiếp quan trọng
giữa Công dân và lực lượng CSGT, cung cấp thông tin về giao thông, giúp Công dân gửi các phản ánh, thông tin thu
thập về tình hình giao thông cũng như tố giác, phản ánh các vi phạm trật tự an
toàn giao thông, tai nạn giao thông; theo dõi được tình trạng các phản ảnh,
lịch sử đã phản ánh, lịch sử đã vi phạm, biển số đấu giá, tra cứu phạt nguội, gửi
góp ý… Ứng dụng
VNeTraffic mới của Bộ Công an ra đời giúp người dân có thêm tiện ích mới cho
lĩnh vực giao thông. Theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA, từ ngày
1/1/2025, công dân có thể tra cứu, kiểm tra phạt nguội bằng ứng dụng
VNeTraffic.
Các bước phản ánh
trên ứng dụng VNeTraffic
Bước 1: Mở ứng dụng VNeTraffic
Đăng nhập vào tài khoản hoặc đăng ký tài khoản mới nếu bạn
chưa có.
Bước 2: Chọn tính năng Tạo phản ánh
Sau khi đăng nhập, chọn mục “Tạo phản ánh” trên giao diện chính của ứng dụng
Bước 3: Điền thông tin vụ việc:
Đây là bước quan trọng để đảm bảo cơ quan chức năng có đủ dữ
liệu xử lý vụ việc. Các thông tin cần điền bao gồm:
- Thời gian xảy ra vi
phạm: Đảm bảo ghi rõ thời gian chính xác của sự việc.
- Địa điểm xảy ra vi
phạm: Điền địa chỉ hoặc khu vực cụ thể nơi vụ việc diễn ra.
- Nội dung mô tả hành
vi vi phạm: Cung cấp chi tiết về loại vi phạm (chạy quá tốc độ, đỗ
xe sai quy định, …) để cơ quan chức năng dễ dàng xử lý.
- Hình ảnh và
video: Bạn có thể tải lên hình ảnh hoặc video làm bằng chứng cho vụ
việc, giúp xác minh và xử lý nhanh chóng hơn.
Bước 4: Gửi thông tin
Sau khi hoàn tất các thông tin trên, bạn chỉ cần nhấn “Gửi phản ánh” và thông tin tố
cáo vi phạm luật giao thông sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý.
2.2. Phản ánh qua đường
dây nóng của cục CSGT, trang Zalo phòng CSGT…
Trên Cổng thông tin điện tử Cục CSGT có đăng tải công khai số
điện thoại của Cục và Công an 63 tỉnh/thành phố, người dân có thể thông tin, phản
ánh trực tiếp qua các số điện thoại này. Cục CSGT cũng có tổng đài 19008099 để
tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao
thông trên các tuyến cao tốc. Người dân có thể phản ánh tình hình trật tự, an
toàn giao thông, tai nạn giao thông hoặc cần hỗ trợ để xử lý các sự cố phát
sinh khi lưu thông trên các tuyến cao tốc.
Bên cạnh đó như ở địa bàn Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP cũng
triển khai tiếp nhận phản ánh vi phạm thông qua Zalo "Phòng Cảnh sát giao
thông Hà Nội".
Chính sách thưởng tối đa 5 triệu đồng khi phản ánh vi phạm
giao thông là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia của
công dân nhằm đảm bảo trật tự và an toàn giao thông, góp phần nâng cao ý thức
chấp hành luật lệ giao thông và đảm bảo an toàn trên đường. Trên đây là bài trao đổi của XTVN về “Thưởng tối đa 5 triệu đồng khi phản ánh vi phạm giao thông.”