Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Tình huống pháp lý

Tình huống pháp lý

Nhà mình có 6 anh chị em, đều đã có gia đình và tách khẩu, dọn ra ở riêng, chỉ có mình dù đã ra ở riêng như vẫn chung hộ khẩu với bố mẹ.

Mình có một người em bị câm điếc bẩm sinh, ngày mình chưa làm nhà riêng thì ba mình có nói mảnh đất ba mẹ đang ở sau này sẽ cắt ra làm hai, cho mình một nửa, một nửa còn lại để sau này ba mẹ mất, ai nuôi người em bị câm điếc kia thì sẽ được hưởng. Thửa đất của ba mẹ mình được cấp sổ năm 1998, tuy nhiên, khi đó mình nghĩ đất bố mẹ đang ở thì cứ để vậy, không làm giấy tờ tặng riêng cho mình. Hiện tại ba mình đã mất, chỉ còn mẹ và em trai ở trên mảnh đất đó. Cách đây vài năm, anh chị em gia đình mình có họp và lập giấy viết tay mọi người cùng ký, thống nhất phân chia tài sản như tâm nguyện của ba mình. Nhưng dạo gần đây, người anh trai thứ tư về giành ở toàn bộ mảnh đất của ba mẹ mình, nói là để chăm sóc mẹ và em trai (mẹ tôi năm nay 90 tuổi). Trong trường hợp như vậy, em có thể khởi kiện giành lại phần đất của mình được không? Nhờ luật sư tư vấn giúp mình!

Trả lời:

Cảm ơn Quý Khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH XTVN (“XTVN”), sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật, XTVN có những thông tin trao đổi như sau:

Theo thông tin Quý khách hàng cung cấp, chúng tôi hiểu rằng thửa đất đang tranh chấp là tài sản chung của bố mẹ. Hiện nay, người bố đã mất, vì vậy, theo quy định pháp luật, di sản thừa kế để lại của người bố là 1/2 thửa đất thuộc khối tài sản chung của hai vợ chồng.  

Theo quy định pháp luật về dân sự, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận về cách thức phân chia di sản. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Theo đó, gia đình họp và lập Giấy viết tay thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế của người bố để lại là phù hợp với quy định pháp luật về mặt hình thức. Tuy nhiên, để xác định Giấy viết tay nêu trên có hợp pháp hay không cần xem xét về thành phần những người thừa kế tham gia họp mặt và nội dung thỏa thuận trong Giấy viết tay có phù hợp với quy định pháp luật hay không.

 Trường hợp Giấy viết tay thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế không hợp pháp, di sản thừa kế của người bố sẽ được phân chia theo quy định pháp luật, cụ thể: di sản thừa kế người bố để lại là ½ thửa đất thuộc khối tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế bao gồm mẹ, 06 anh chị em ruột trong gia đình và các người thừa kế khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định pháp luật (nếu có).  

Như vậy, việc một trong các đồng thừa kế tự ý chiếm toàn bộ thửa đất là không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này, Quý khách hàng nên thương lượng, hòa giải giữa các anh chị em trong gia đình về việc phân chia di sản người bố để lại, nếu không thống nhất được thì Quý khách hàng có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người mẹ là ½ thửa đất trong khối tài sản chung của hai vợ chồng và phần di sản thừa kế được nhận từ chồng (nếu phân chia di sản theo pháp luật), nếu người mẹ đồng ý, Quý khách có thể thực hiện thủ tục tặng cho tài sản theo quy định pháp luật hiện hành.

Trên đây là ý kiến tư vấn của XTVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của XTVN sẽ hữu ích cho Quý khách.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN