Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Tình trạng tận thu trong trường học – góc nhìn pháp lý

Tình trạng tận thu trong trường học – góc nhìn pháp lý

XTVN nhận được câu hỏi từ phụ huynh như sau: Chị Nguyễn Thị A, có con gái đang theo học tại một trường tiểu học, đã đặt câu hỏi liên quan đến các khoản tiền phải nộp mà chị cho rằng là bất hợp lý, tuy nhiên vẫn được ghi nhận và phải nộp khi đến đầu năm học của con gái:

+          Hoạt động thăm hỏi giáo viên, nhân viên khi ốm đau, việc hiếu của cán bộ giáo viên;

+          Tiền điểm danh, tổ chức khai giảng;

+          Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

+          Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

+          Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Theo quan điểm của chị, các khoản thu trên là không đúng, việc buộc phụ huynh học sinh nộp những khoản thu đó là không đúng với quy định của pháp luật. Do vậy, chị A có câu hỏi như sau gửi đến XTVN, mong muốn được giải đáp:

+          Những khoản thu nào là phụ huynh phải nộp, và những khoản thu nào là do tự nguyện nộp trong dịp đầu năm học? Với việc thu không đúng, thu quá số tiền, những phụ huynh như chị có thể dựa vào quy định nào để phản biện, đối chất?

+          Các trường hợp thực tế đã xảy ra, đã bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đến các khoản thu bất hợp lý?

1)       Quy định pháp luật về các khoản tiền trường học được phép thu đầu năm học

Trả lời cho câu hỏi trên:

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, các khoản thu mà nhà trường có thể thu đầu năm bao gồm những khoản sau:

STT

Khoản thu

Lưu ý

1

Học phí

Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 81/2021/NĐ-CP: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung hoặc mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập”

2

Bảo hiểm y tế học sinh

Căn cứ theo khoản 21 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008: “Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế: Học sinh, sinh viên”.

Mức đóng này bằng 4,5% mức lương cơ sở và được Nhà nước hỗ trợ 30%.

3

Đồng phục và lễ phục

Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT: “Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.”

Ngoài ra, đối với các khoản thu bao gồm: Tiền ăn bán trú; Tiền học thêm; Tiền viện trợ, quà, biếu; Cơ sở vật chất, … do tùy từng địa phương quy định hoặc do đóng góp trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Bên cạnh những khoản thu của trường, các phụ huynh còn cần phải lưu ý đến kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, để ngăn ngừa tình trạng các nhà trường sử dụng ban đại diện cha mẹ học sinh làm bàn tay nối dài để lạm thu. Việc thu chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai, dân chủ và không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh.

2)       Xử lý về hành vi lạm thu trong trường học

Thực tiễn cho thấy, đã có những trường hợp bị xử lý về hành vi lạm thu trong trường học, ví dụ như:

Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã ra văn bản phê bình Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Núi Đôi ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng và yêu cầu hoàn trả số tiền cho các phụ huynh. Theo phản ánh của phụ huynh, khi đi làm thủ tục tuyển sinh cho con vào lớp 6 thì được yêu cầu đóng ít nhất 2 triệu đồng mỗi học sinh mà không nhận được lời giải thích rõ ràng cũng như không có phiếu thu.

Thậm chí, đã có những trường hợp xử lý hình sự về việc lạm thu trong trường học. Năm 2019, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng đã mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Thị Thu Thủy về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bo. Trong thời gian làm hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương, từ năm học 2015-2016 đến năm học 2016-2017, ngay từ đầu mỗi kỳ học, Lê Thị Thu Thủy đã chỉ đạo thu nhiều khoản đóng góp của phụ huynh học sinh, trong đó có các khoản thu không được phép thu, khoản thu chưa được thẩm định, phê duyệt của cơ quan quản lý cấp trên.

3)       Phương án để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Để tránh lạm thu đầu năm học, đối với khối giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Điều quan trọng là các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Cùng với đó, cố gắng xây dựng lộ trình tiến tới mọi khoản thu ở trường đều không dùng tiền mặt, qua đó góp phần khắc phục chuyện lạm thu.”

Bên cạnh những biện pháp của các cơ quan có thẩm quyền, các phụ huynh học sinh là người trực tiếp nộp những khoản thu này, cần nắm rõ các quy định của pháp luật, các quy định riêng của từng địa phương về các khoản được thu và không được thu trong nhà trường để từ đó thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát, bảo vệ lợi ích của chính bản thân.

 



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN