Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Trình tự, thủ tục xin cấp phép bay Flycam?

Trình tự, thủ tục xin cấp phép bay Flycam?

Flycam (Flying Camera) một thiết bị bay điều khiển từ xa được tích hợp camera, có khả năng ghi lại hình ảnh và truyền trực tiếp về bộ điều khiển cầm tay hoặc qua ứng dụng trên điện thoại di động. Ngày nay, Flycam ngày càng được sử dụng phổ biến để phục vụ cho công việc và cuộc sống hàng ngày nhờ khả năng ghi lại hình ảnh ở những góc quay rộng, bao quát và ấn tượng. Tuy nhiên, để có thể sử dụng Flycam một cách hợp pháp, bạn cần nắm rõ những quy định của pháp luật về việc sử dụng thiết bị này.

 

1. Trình tự, thủ tục xin cấp phép bay Flycam

Căn cứ khoản 1, Điều 3, Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/03/2008 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quy định: "Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó".

Như vậy, Flycam được xem như một thiết bị tàu bay không người lái. Do đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng Flycam để thực hiện mục đích của mình trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học cần thực hiện xin cấp phép bay theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Nghị Định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/03/2008 (sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 79/2011/NĐ-CP ngày 05/09/2011) đã quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục xin cấp phép bay Flycam như sau:

                                                                                                                              (Hình minh họa)

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp phép bay gồm có:

- Đơn đề nghị cấp phép bay;

- Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước;

- Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có đề nghị cấp phép bay còn cần chuẩn bị một số hồ sơ như sau:

- Tài liệu chứng thực cá nhân như: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc các tài liệu pháp lý khác có giá trị tương đương;

- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của tổ chức như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh, Giấy phép đầu tư hoặc các tài liệu pháp lý khác có giá trị tương đương;

- Khai báo thiết bị bay như: khai báo bằng hình ảnh, bằng các văn bản thể hiện thông số kỹ thuật của thiết bị bay, …

- Địa điểm xin phép bay: Văn bản cho phép của cơ sở nơi tổ chức bay, hình ảnh khu vực dự kiến bay, …

Bước 2: Nộp đơn đề nghị cấp phép bay Flycam

Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 79/2011/NĐ-CP) quy định cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay.

Bước 3: Cấp giấy phép bay.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Tác chiến cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay. Ngoài giấy phép bay do Bộ Tổng tham mưu cấp, khi ghi hình tại các cơ quan, xí nghiệp, công ty, người điều khiển Flycam cũng cần xin phép những nơi này trước.

Giấy phép bay bao gồm các thông tin như sau:

- Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân được cấp phép bay.

- Đặc điểm nhận dạng kiểu loại tàu bay, phương tiện bay (bao gồm cả phụ lục có ảnh chụp, thuyết minh tính năng kỹ thuật của tàu bay hoặc phương tiện bay).

- Khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay.

- Mục đích, thời hạn, thời gian được tổ chức bay.

- Quy định về thông báo hiệp đồng bay; chỉ định cơ quan quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.

- Các giới hạn, quy định an ninh, quốc phòng khác.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, giấy phép bay này chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian tại một địa điểm nhất định đã đăng ký. Bên cạnh đó, ổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động bay không được phép sử dụng sai số lượng, chủng loại của thiết bị Flycam so với các thông tin đăng ký trong giấy phép bay.

2. Sử dụng Flycam để ghi hình khi chưa được cấp phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Mặc dù, việc sử dụng Flycam ở nước ta không bị cấm hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có một số giới hạn nhất định, ví dụ như việc người sử dụng phải làm thủ tục xin phép bay do hoạt động bay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng…

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định: "Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này, tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật."

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

" Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;

h) Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;

i) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;

k) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;"



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN