Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Từ 01/07/2024, Người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn?

Giải quyết giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ hay người cha trực tiếp nuôi không chỉ là việc áp dụng quy định của pháp luật khi giải quyết tranh chấp nuôi con mà còn là trách nhiệm của Toà án nhằm đảm bảo quyền lợi mọi mặt con. Và hơn hết con dưới 36 tháng tuổi về nguyên tắc pháp luật hôn nhân gia đình quy định là ưu tiên cho người mẹ được quyền nuôi, bởi thời điểm này, người mẹ có những khả năng và điều kiện thuận lợi hơn người cha để nuôi dưỡng con. Vậy người cha có quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn không? Bài viết của Công ty Luật TNHH XTVN dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn đọc về vấn đề này.

Theo quy định của pháp luật, khi ly hôn vợ, chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và nghĩa vụ. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, khi giải quyết ly hôn, Toà án giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ hoặc người cha trực tiếp nuôi.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi ly hôn, vợ chồng được quyền thỏa thuận người trực tiếp nuôi con, cũng như nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, cụ thể:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, căn cứ vào quy định nêu trên, nếu hai vợ chồng có thỏa thuận thì Tòa án sẽ công nhận và giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo đúng thỏa thuận của cha, mẹ. Ngược lại, nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng. Về quyền nuôi con sau khi ly hôn đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình có hướng dẫn về “Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau:

-       Người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

-       Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

-       Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Bên cạnh việc chứng minh người mẹ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi dưỡng con cái, người cha phải chứng minh được bản thân có hoàn toàn đầy đủ điều kiện về vật chất lẫn điều kiện về tinh thần nuôi con, có thể được hiểu như sau:

-       Điều kiện về vật chất: phải đảm bảo mức thu nhập, có công việc ổn định; chỗ ở ổn định. Điều kiện này sẽ giúp cho người con nhận được một cuộc sống ổn định và một môi trường tốt để có thể phát triển được một cách toàn vẹn nhất.

-       Điều kiện tinh thần: dành nhiều thời gian chăm sóc nuôi dưỡng con cái, dạy dỗ, giáo dục con, thời gian vui chơi với con cái, bồi đắp tình cảm với con cái, phẩm chất đạo đức của cha. Bởi vì khi ly hôn, người con đã mất đi một chỗ dựa và cảm thấy lạc lõng và thiếu thốn tình yêu thương nên điều kiện này đòi hỏi người cha phải dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc con đảm bảo được quá trình trưởng thành của con.

Như vậy, theo như quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sẽ ưu tiên khi ly hôn, người trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi là người mẹ. Tuy nhiên, người cha vẫn sẽ được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu trong trường hợp người vợ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con hoặc cả hai vợ chồng có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Vậy nên không phải trường hợp nào con dưới 36 tháng tuổi đều do mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.

Trên đây là toàn bộ trao đổi của Công ty Luật TNHH XTVN về quy định liên quan đến vấn đề “Người cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn không?”. Hãy liên hệ chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

 



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN