Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong việc giải quyết tranh chấp đất đai?

Biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng trong việc giải quyết vụ án dân sự trong đó có giải quyết tranh chấp đất đai, xuất phát từ yêu cầu về việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án phải đảm bảo nguyên tắc giải quyết kịp thời để từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong giải quyết tranh chấp dân sự là các biện pháp do pháp luật quy định và được Tòa án áp dụng để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng và bảo đảm tài sản cũng như bảo vệ khả năng thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong một vụ việc tranh chấp.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết tranh chấp đất đai có thể được đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án áp dụng theo quy định tại Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

Thứ nhất, biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp. Đây là biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm kiểm kê và thống kê những tài sản đang có tranh chấp trong vụ án để buộc người đang giữ tài sản không được chuyển dịch hay phá hủy tài sản đó. Trong vụ án tranh chấp đất đai thì tài sản kê biên có thể là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Sau khi kê biên tài sản có thể được giao cho đương sự hoặc bên thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của tòa án.

Thứ hai, biện pháp cấm chuyển dịch về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Đây là việc buộc người đang giữ tài sản tranh chấp không được thay đổi và chuyển quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Cấm chuyển dịch về tài sản đang tranh chấp ở đây được hiểu là cấm chuyển dịch các quyền sử dụng, quyền sở hữu và quyền định đoạt, cũng như các quyền khác với tài sản như quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt và quyền hưởng dụng đối với tài sản đang tranh chấp. Với biện pháp khẩn cấp này, Tòa án sẽ buộc người đang giữ tài sản đang có tranh chấp là đối tượng của vụ án dân sự mà tòa án đang xem xét, không được thay đổi hoặc chuyển nhượng về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Thông thường thì biện pháp này thường áp dụng đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu, mà điển hình là quyền sử dụng đất.

Thứ ba, biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Đây là việc Tòa án buộc người đang giữ tài sản tranh chấp phải giữ nguyên hiện trạng bên ngoài và vốn có của tài sản đó mà việc thay đổi hiện trạng tài sản sẽ làm thay đổi giá trị của tài sản, nó ảnh hưởng đến kết quả của việc xem xét và đánh giá chứng cứ cũng như hoạt động thi hành án dân sự, nên mặc dù chưa có quyết định chính thức giải quyết về tài sản nhưng Tòa án sẽ buộc người có hành vi thay đổi tài sản phải ngưng ngay lập tức những hành vi đó để giữ nguyên giá trị của tài sản. Thông thường thì biện pháp này được áp dụng đối với các đối tượng là vật trong đó bao gồm cả bất động sản, ví dụ như nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết tranh chấp đất đai là khá đa dạng, vì thế tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án sẽ áp dụng những biện phù hợp với hoàn cảnh và đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Một vấn đề cần lưu ý là người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Do đó, Điều 136 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 12 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

 



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN