Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Bạo lực trẻ em - xử lý như thế nào?

Bạo lực trẻ em - xử lý như thế nào?

    Thực trạng bạo lực, ngược đãi trẻ em hiện đang là vấn đề nhức nhối và nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Thời gian qua có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra  tại các trường mầm non, cơ sở trông giữ trẻ….được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm, điển hình là trong những ngày qua báo chí phản ánh vụ bạo hành, ngược đãi nhiều trẻ em được nuôi dưỡng ở Mái ấm Hoa Hồng tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện vụ việc đang được Cơ quan Công an quận 12 đang phối hợp với các đơn vị có chức năng vào cuộc xác minh vụ nhiều trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng.

Vậy đối với hành vi bạo lực, ngược đãi trẻ em thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước và là đối tượng được đặc biệt quan tâm, chăm sóc và giáo dục và bảo vệ của cả xã hội, điều này đã được quy định cụ thể theo Luật trẻ em năm 2016 như sau:

+ Điều 1 quy định: Trẻ em là những người có độ tuổi dưới 16.

+ Khoản 6, Điều 4 quy định: Bạo lực trẻ em được định nghĩa là hành vi: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

+ Khoản 3 Điều 6 quy định “Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em” là một trong những hanh vi bị nghiêm cấm.

+ Điều 27 quy định Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.”

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xử phạt hành chính:

Nếu hành vi bạo lực trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định các hành vi bạo lực với trẻ em sẽ bị xử phạt theo các mức độ như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.

Như vậy, hành vi sử dụng các biện pháp bạo lực gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời sẽ bị buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.

- Xử lý hình sự:

Trẻ em là đối tượng yếu thế, rất dễ tổn thương và có thể chịu hậu quả nghiêm trọng hơn từ những hành vi bạo lực, ngược đãi. Nếu hành vi bạo hành trẻ em gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như đủ các yếu tố cấu thành của các tội theo quy định Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm:

+ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134);

+ Tội hành hạ người khác (Điều 140)

Ngoài ra, người thực hiện hành vi bạo lực, ngược đãi với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Đối chiếu với vụ việc bạo hành, ngược đãi nhiều trẻ em ở cơ sở Mái ấm Hoa Hồng như báo chí phản ảnh có cơ sở để xác định là bạo hành trẻ em và pháp luật nghiêm cấm các hành vi bạo hành, bạo lực dưới mọi hình thức, xâm phạm đến quyền trẻ em và sẽ bị xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi bạo hành trẻ em. Bất kể ai xâm phạm đến quyền trẻ em đều bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc. Tùy thuộc vào mức độ, hành vi, hậu quả của việc bạo lực, ngược đãi đối với trẻ em thì những người gây ra sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.  



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN