Công
ty Đấu giá hợp danh Việt Nam vừa cập nhật danh sách loạt biển số xe ô tô “siêu đẹp” sẽ được đấu giá từ ngày 3/4 đến
ngày 5/4. Tuy nhiên, trong danh sách lần này có những biển số đã được đấu giá
trước đó do có những khách hàng trúng đấu giá nhưng không hoàn thành nghĩa vụ
tài chính vì vậy có những biển số “siêu đẹp”
nhưng vẫn “tồn” lại.
Đáng
chú ý, trong phiên đấu giá vào ngày 5/4 sắp tới lại có sự xuất hiện của biển số
xe ô tô 30K-999.99. Vào phiên đấu giá trước đó biển số 30K-999.99 đã được đấu
giá thành công với mức tiền kỷ lục lên tới 75,2 tỷ đồng. Đây là số tiền trúng đấu
giá biển số ô tô cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, người chốt mức giá này
đã bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Liên
quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Thị Huế - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH
XTVN nhận định:
Căn
cứ theo Điều 16 Nghị Định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị Quyết
số 73/2022/QH 15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc Hội về thí điểm đấu giá biển
số xe ô tô có quy định về nộp tiền trúng đấu giá như sau:
“Trong
thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá
phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài
khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe”.
Nếu
người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá
trong phiên đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời
số tiền 40 triệu đồng đặt trước sẽ không được hoàn lại mà sẽ được nộp vào ngân
sách nhà nước quy định tại Điều 3 Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá
biển số xe ô tô quy định về giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, tiền thu
được từ đấu giá biển số xe ô tô.
Hiện nay, ngoài quy định nêu trên thì hiện tại
không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Việc
đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian,
tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng. Để tổ chức phiên
đấu giá, cơ quan quản lý nhà nước cũng như đơn vị tổ chức đấu giá phải đầu tư hệ
thống quản lý đấu giá biển số xe gồm: Phần mềm, hạ tầng, đường truyền hệ thống
giám sát không những vậy Cục CSGT Bộ Công an còn phải bố trí lực lượng để giám
sát quá trình đấu giá.
Việc
thiếu quy định về chế tài như vậy chưa thực sự đủ sức răn đe, chưa hiệu quả
trong công tác quản lý pháp luật nói chung, lĩnh vực đấu giá nói riêng. Để
tránh tình trạng như vậy xảy ra Luật sư Nguyễn Thị Huế cho rằng cần có chế tài
mạnh hơn trong việc bỏ cọc trong đấu giá biển số xe, cụ thể như sau:
- Luật
Đấu giá tài sản cần được bổ sung thêm quy định cấm người trúng đấu giá đối với
những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường,
ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị để trục lợi trong đấu giá
tài sản.
- Ngoài
số tiền cọc không được hoàn lại, người bỏ cọc còn phải nộp thêm các khoản chi
phí khác để bù đắp trong quá trình tổ chức phiên đấu giá.
- Bổ
sung thêm quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc với mức
xử phạt phù hợp, đủ răn đe và ngăn ngừa tình trạng bỏ cọc đấu giá tài sản.
Luật
sư Nguyễn Thị Huế cho biết, việc đặt ra chế tài mạnh trong hoạt động đấu giá
không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, văn minh và bình đẳng hơn cho
mọi người mà còn sẽ ngăn chặn được những tổn thất về cả nhân lực và vật lực.