Thời gian vừa qua, XTLaw nhận được rất nhiều câu
hỏi liên quan tới vấn đề lừa đảo. Hầu hết, các khách hàng đều bị lừa đảo qua mạng
với nhiều hình thức khác nhau như nhập mã, mua hàng trên các sàn thương mại điện
tử, nhận quà, mã khuyến mãi và nổi trội nhất là hình thức lừa đảo qua ứng dụng Telegram.
Telegram là ứng dụng khá nổi tiếng trên thế giới,
ứng dụng trên dùng để nhắn tin, gọi điện thoại, gọi video hoặc chia sẻ file thông
qua Internet, ứng dụng được sử dụng cả trên điện thoại và máy tính. Với tính năng
linh hoạt, sử dụng ổn định và nhanh chóng và đặc biệt là luôn ẩn thông tin người
dùng. Telegram được nhiều người đón nhận và sử dụng, nhưng bên cạnh đó, nhiều kẻ
xấu lại sử dụng ứng dụng này để lập hội nhóm để có thể lừa đảo, thậm trí không
chỉ một người mà chúng lừa hàng chục, trăm người một lúc bằng nhiều phương thức,
thủ đoạn khác nhau.
Hình thức lừa đảo qua Telegram rất tinh vi, những
kẻ lừa đảo có hẳn một đội nhóm chuyên nghiệp, để dẫn dụ, lừa những người nhẹ dạ,
cả tin. Phổ biến trong việc lợi dụng lòng tin và độ uy tín của ứng dụng
telegram gồm hai hình thức: một là tạo đội nhóm, tạo bot làm nhiệm vụ để kiếm
tiền; hai là giả danh các công ty, tập đoàn lớn để mời tham dự tạo đội nhóm, tạo
bot và tạo các trò chơi để ăn lợi nhuận, kiếm tiền.
Điểm chung của hai hình thức này là chúng sẽ lợi
dụng những người nhẹ dạ hoặc những người mới dùng telegram để cho họ vào đội nhóm.
Sau đó, những người hướng dẫn mà chúng gọi là Mentor sẽ hướng dẫn cho con mồi
nhắn tin kết bạn thêm với những mentor khác và cho vào nhóm, sau đó thông qua 4
– 5 mentor khác để dẫn dụ con mồi vào tròng. Những mentor này sẽ chỉ dậy cho
con mồi cách làm nhiệm vụ nhỏ, ăn lãi một vài trăm rồi sau đó, đánh vào lòng
tham của những người tham gia để nhân số tiền nạp lên. Ban đầu chỉ một vài trăm
nghìn, nhưng con số nhanh chóng lên tới vài triệu, chục triệu. Đến khi con mồi
nhận ra thì đã quá muộn. Các lệnh rút tiền không nhận được và rồi chúng lấy lý
do sai lệnh để có thể “đá” những người tham gia ra khỏi nhóm. Điểm khác biệt của
hai hình thức trên được thể hiện rõ ở cách thức thực hiện như sau.
Ở hình thức tạo đội nhóm, tạo bot kiếm tiền. Các
“mentor” sẽ thêm bạn vào nhóm telegram, chúng sử dụng những con bot AI tạo sẵn để
thêm phần chuyên nghiệp. Sau đó những con bot này sẽ hướng dẫn bạn để ấn vào
link chúng đã thiết lập sẵn. Sau đó, các mentor sẽ hướng dẫn bạn làm nhiệm vụ,
ví dụ có 1 đơn hàng trị giá 200 nghìn, thì bạn sẽ phải nạp 200 nghìn vào tài
khoản trên web và sau đó mua lại đơn hàng. Với mỗi đơn hàng bạn mua, chúng sẽ
trả lại phần lợi nhuận bằng ½ giá trị đơn hàng. Và sau mỗi đơn hàng, giá trị ngày
càng cao lên. Tất nhiên, chúng sẽ để bạn rút tiền khoảng một đến hai lần để tạo
dựng lòng tin, sau đó, khi đến một giá trị nhất định, bạn sẽ không rút được tiền,
các “mentor” thì lấy lý do bạn nhập sai lệnh hoặc chuyển khoản sai ký tự. Hàng
trăm lý do có thể bịa ra. Khi này các mentor sẽ mời bạn ra khỏi nhóm nhưng bạn
không thể làm gì, vì telegram đã ẩn đi hết thông tin của kẻ lừa đảo, bạn không
thể tìm được chúng.
Đối với hình thức giả danh công ty, tập đoàn lớn
thì các “mentor” sẽ giả danh những công ty, tập đoàn lớn như: Mitshubishi,
Vingroup,.… để tuyển nhân viên. Sau khi con mồi nhắn tin với chúng và qua các vòng
phỏng vấn rất chuyên nghiệp. Sau đó, chúng sẽ thêm bạn vào các nhóm Telegram và
tham gia vào các “dự án” và các dự án này cần phải đầu tư từ bạn và nhiều người
trong nhóm. Nếu đầu tư đến một con số nhất định, các mentor sẽ cho rút khoản tiền
đầu tư về với lợi nhuận lớn. Lúc đầu chỉ là những dự án nhỏ, chỉ đầu tư từ 200.000
– 500.000 đồng. sau đó được rút lại 600.000 – 800.000 đồng tùy số tiền đầu tư,
nhưng tới khi con số lên tới hàng triệu, bạn sẽ bị mentor đá ra khỏi nhóm bằng
một lý do nào đó. Khi bị đá, bạn sẽ không rút được bất kỳ số tiền nào nữa.
Một số trang web có dấu hiệu lừa đảo thường sẽ được
đối tượng gửi qua telegram, chúng có tên miền khác so với những trang web chính
thống, cách nhận biết chúng thường bao gồm:
- Đuôi trang web: .com/index; .us; .io…;
- Tên: kienthietthudo, hotrokienthiet, xosokienthiet…;
- Mang tên tập đoàn lớn nhưng lại đưa ra các tên
miền khác ví dụ Mitsubitshi tuyển dụng nhưng đưa bạn đến tên miền là Dự án an
sinh, hay dự án đầu tư.
Ngoài những dấu hiệu trên bạn có thể nhận biết bằng
một cách đơn giản, các kẻ lừa đảo sẽ thêm bạn trên telegram và yêu cầu bạn cọc
tiền để làm nhiệm vụ.
Qua bài viết trên, chúng tôi gửi tới các bạn những
hình thức lừa đảo phổ biến qua ứng dụng telegram, hãy là người dùng ứng dụng thông
thái, tránh bị lừa đảo và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.