Gần đây, dư luận
đặc biệt quan tâm đến trường hợp bé Nam Phong – cậu bé 3 tuổi ở Nghệ An – không
chỉ bởi hành động dũng cảm cứu bạn khỏi đuối nước mà còn do hoàn cảnh đặc biệt: bị mẹ bỏ rơi từ khi mới
sinh, được một gia đình cưu mang, nuôi dưỡng như con ruột. Gần đây, cha ruột xuất hiện và bày tỏ nguyện vọng nhận lại
con. Tình huống này đặt ra một vấn đề pháp lý
quan trọng rằng: Cha mẹ đẻ có còn quyền nhận lại con sau khi đã bỏ rơi và đứa
trẻ đã được người khác nhận nuôi hợp pháp hay không?
1. Hệ quả của việc nuôi con nuôi
Theo khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi
con nuôi 2010 quy định về Hệ quả của việc nuôi con nuôi: “ Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ
các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của
gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của
pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.”.
Đồng thời, quy định tại khoản 4
Điều này: “Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ
và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ
không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp
luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho
làm con nuôi..”.
Như vậy, kể từ thời điểm việc
nuôi con nuôi được xác lập hợp pháp, cha mẹ nuôi và con nuôi phát sinh đầy đủ quyền
và nghĩa vụ như giữa cha mẹ và con theo quy định pháp luật; đồng thời, quyền và
nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đối với con sẽ chấm dứt, trừ khi có thỏa thuận khác.
2. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi
Theo Điều 25 Luật Nuôi con nuôi
2010 quy định về Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, thì việc nuôi con nuôi có
thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Con nuôi đã thành niên và cha
mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
- Con nuôi bị kết án về một
trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ
nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của
cha mẹ nuôi;
- Cha mẹ nuôi bị kết án về một
trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con
nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
- Vi phạm quy định tại Điều 13 của
Luật này, cụ thể như: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao
động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết
việc nuôi con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi,…
Từ quy định trên, có thể thấy việc
nuôi con nuôi chỉ có thể bị chấm dứt trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật
quy định. Do đó, nếu việc nhận nuôi được thực hiện hợp pháp, cha mẹ nuôi là người
duy nhất có quyền nuôi dưỡng, chăm sóc và đại diện cho con nuôi, kể cả khi cha
mẹ đẻ sau đó xuất hiện.
Như vậy, việc cha mẹ đẻ đơn
phương yêu cầu nhận lại con sau khi đã được người khác nhận nuôi hợp pháp là
không có căn cứ pháp lý, trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác hoặc việc
nuôi con nuôi được xác lập không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp
không có vi phạm pháp luật hay thỏa thuận cụ thể, quyền nuôi dưỡng, chăm sóc và
đại diện hợp pháp cho trẻ thuộc về cha mẹ nuôi. Trên thực tế, nếu cha mẹ đẻ
mong muốn nối lại quan hệ với con, giải pháp phù hợp và nhân văn nhất là thông
qua thương lượng, thỏa thuận với cha mẹ nuôi, trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi
ích hợp pháp của trẻ em. Trong vụ việc của bé Nam Phong, cha mẹ ruột và cha mẹ
nuôi đã đạt được sự đồng thuận để bé tiếp tục sinh sống trong môi trường ổn định
hiện tại và sẽ để bé tự quyết định khi đủ tuổi trưởng thành – đây là cách tiếp
cận vừa hợp tình, hợp lý, vừa thể hiện sự tôn trọng pháp luật và tình cảm gia
đình.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của XTLaw đối với nội dung về vấn đề “Cha mẹ đẻ
có còn quyền yêu cầu nhận lại con sau khi đã bỏ rơi?”. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi trực tiếp
tại Trụ sở Công ty TNHH XTVN địa chỉ số 33 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống
Đa, thành phố Hà Nội hoặc qua website @www.xtlaw.com.vn.