Ngày
09/09/2024, sau khi cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua - cơn bão số 3,
siêu bão Yagi đi qua các tỉnh, thành phố phía Bắc của Việt Nam đã để lại nhiều
hậu quả nặng nề khiến nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại, nhà cửa, xe ô tô và
các tài sản khác bị hư hại nặng nề. Đặc biệt ở Hà Nội đang có rất nhiều trường
hợp cây to bị đổ do gió bão và đè lên xe ô tô của người dân dừng bên đường. Vậy
trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai hay chính những chủ
xe ô tô đó sẽ phải tự chịu thiệt hại?
Trách nhiệm bồi
thường.
Trong
Bộ luật Dân sự 2015, tại Điều 604 quy định về Bồi thường thiệt hại do cây cối
gây ra như sau: “Chủ sở hữu, người chiếm
hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
Như vậy, nếu xe ô tô bị cây gãy, đổ… đè lên gây thiệt hại thì cá nhân, đơn vị
chủ sở hữu, chiếm hữu, được giao chăm sóc cây phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Song không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường. Bởi chủ
sở hữu cây, người được giao chăm sóc cây sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường
nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 Điều 584 Bộ luật Dân
sự 2015 như sau:
“2. Người gây thiệt
hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại
phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt
hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản
gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi
thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2
Điều này.”
Sự kiện bất khả
kháng
Điều
156, Bộ luật Dân sự 2015 giải thích về sự kiện bất khả kháng như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra
một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc
dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, một sự kiện
được xem là bất khả kháng phải đáp ứng đủ 2 điều kiện. Thứ nhất, sự kiện này phải
là sự kiện khách quan xảy ra không phục thuộc vào ý chí của con người như bão,
lũ, động đất, sóng thần… Thứ 2, người có trách nhiệm đã phải áp dụng các biện
pháp cần thiết, khả năng cho phép để ứng
phó với sự kiện này.
Do đó trước khi cơn bão đến,
chủ sở hữu, người được giao chăm sóc cây đã làm mọi biện pháp nhằm hạn chế tai
nản xảy ra như cắt tỉa cành cây, gia cố gốc cây, lắp cột chống gãy đổ,… nhưng
mưa bão to, sức gió mạnh vẫn khiến cây bị đổ, bật gốc gây thiệt hại thì họ
không phải bồi thường. Đây là điều mà chủ sở hữu, người được giao chăm sóc cây
đều không mong muốn, dù đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho
phép nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Tuy nhiên, nếu cơn bão đã được dự báo từ trước,
các cơ quan chức năng đã yêu cầu chặt hạ hoặc tỉa bớt,… mà các chủ thể trên
không thực hiện và không có biện pháp để đề phòng phù hợp thì sẽ không được coi
là sự kiện bất khả kháng. Khi đó, mọi thiệt hại do cây cối gãy đổ thì chủ sở hữu,
người được giao chăm sóc cây sẽ phải bồi thường toàn bộ.
Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại
Nếu do lỗi của bên bị thiệt
hại ví dụ như chủ phương tiện xe ô tô cố tình dừng đỗ xe tại vị trí sai quy định
và khi gió bão xảy ra khiến cây cối bị đổ đè lên xe ô tô. Trường hợp này, người
bị thiệt đã có lỗi là vi phạm luật giao thông dừng đỗ trí quy định, không chấp
hành biển báo giao thông. Trong trường hợp này, nếu chủ sở hữu, người được giao
chăm sóc cây đã thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro như cắt tỉa, gia cố cây,
lắp biển cảnh báo,… thì sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường vì tai nạn xảy
ra hoảng toàn do lỗi của chủ phương tiện xe.
Tóm
lại, để yêu cầu bồi thường thiệt
hại thì chủ phương tiện xe ô tô cần phải chứng minh rằng xe của mình đã bị thiệt
hại do cây gãy đổ gây ra và thiệt hại đó không có lỗi của mình, không thuộc trường
hợp bất khả kháng. Nếu việc dừng đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải
là bất khả kháng, không có lỗi của chủ xe thì chủ sở hữu, đơn vị quản lý, người
được chăm sóc cây cây phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ
bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát
sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.
Nếu cây gãy đổ là do trường
hợp bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì
bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại. Trong hợp đồng bảo hiểm
ký kết giữa 2 bên có thỏa thuận sự kiện xe bị hư hại do thiên tai là cơ sở được
bồi thường và không thuộc các trường hợp loại trừ thì chủ xe ô tô có quyền yêu
cầu công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra. Về mức
giá trị bồi thường thì sẽ thực hiện theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được
ký kết giữa chủ xe và công ty bảo hiểm.
Trên đây là những trao đổi cơ bản về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp gió bão
làm cây cối gãy đổ khiến xe ô tô bị hư hỏng. Nếu Quý khách hàng có băn khoăn hay thắc mắc gì về vấn đề này, vui lòng liên hệ
theo thông tin bên dưới đây để được chúng tôi tư vấn hỗ trợ cụ thể hơn.