Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Con chết trước, cha mẹ có được hưởng di sản thừa kế của con không?


Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quyền thừa kế luôn là một trong những vấn đề quan trọng, đặc biệt là khi xảy ra tình huống người thừa kế mất trước người để lại di sản. Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra là: nếu con chết trước, cha mẹ có được hưởng di sản thừa kế của con hay không? Để trả lời câu hỏi này cần phân tích từ góc độ pháp lý về quyền thừa kế, các quy định liên quan đến di chúc và các trường hợp thừa kế theo pháp luật, trong đó cha mẹ có thể là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

1.      Cơ sở pháp lý về thừa kế

Tại Việt Nam, quyền thừa kế được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015, trong đó có quy định chi tiết về quyền thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.

Về thừa kế theo pháp luật, với trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, thì tài sản được chia theo hàng thừa kế được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Theo điều này, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ/chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ và con nuôi của người chết. Như vậy, cha mẹ của người để lại di sản nằm trong hàng thừa kế thứ nhất, có quyền được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.

Về thừa kế theo di chúc, theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người để lại di sản hoàn toàn có quyền định đoạt đối với tài sản của mình, đưa ra quyết định những ai có quyền được hưởng di sản, mỗi người được hưởng bao nhiêu hoặc những ai bị truất quyền hưởng di chúc,… mà không bị phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể khác.

2.      Cha mẹ có được hưởng thừa kế khi con chết trước?

Trong trường hợp con chết trước mà không để lại di chúc hợp pháp hoặc di chúc không có hiệu lực pháp lý, cha mẹ hoàn toàn có quyền hưởng di sản của con. Theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp không có di chúc, tài sản của người chết sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật, bao gồm cả cha mẹ, vợ (chồng) và con của người chết.

Với trường hợp người chết có để lại di chúc hợp pháp, thì theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, người để lại di sản có quyền định đoạt tài sản của mình bằng di chúc. Tuy nhiên, quyền định đoạt này chỉ là một quyền tương đối và chủ sở hữu tài sản không hoàn toàn tự do trong việc định đoạt tài sản của mình trước khi chết. Một trong những giới hạn đối với sự tự do này của chủ sở hữu đó là chế định “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, nghĩa là trong trường hợp những người này không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu chia di sản theo pháp luật thì họ vẫn được hưởng di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, thì người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Như vậy, nếu di chúc không đề cập đến cha mẹ, cha mẹ vẫn có thể có quyền yêu cầu chia tài sản nếu họ thuộc diện người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

            Có thể thấy, quy định này được đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người thân thích với người để lại di sản, tránh trường hợp những người này không được nhận di sản do không có tên trong di chúc, đồng thời, thể hiện nguyên tắc bảo vệ các giá trị đạo đức trong quan hệ gia đình và thừa kế. Cha mẹ, vợ, chồng là những người có mối quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân gần gũi với người chết, họ có quyền được hưởng di sản như một sự công nhận quan hệ gắn bó và trách nhiệm trong gia đình. Việc bảo vệ quyền lợi của những người này trong thừa kế dù di chúc có chỉ định khác xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền và  lợi ích của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người không thể tự chăm lo cuộc sống của mình.

Tóm lại, trong trường hợp con chết trước cha mẹ, cha mẹ vẫn có quyền thừa kế di sản của con nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, trong đó cha mẹ vẫn được xếp vào hàng thừa kế thứ nhất. Kể cả với trường hợp có di chúc hợp pháp, cha mẹ vẫn được hưởng di sản thừa kế, bởi lẽ, pháp luật thừa kế bảo vệ và nâng cao giá trị đạo đức mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng, do đó, kể cả khi không có tên trong di chúc thì cha, mẹ vẫn có quyền được hưởng di sản thừa kế.



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN