Hiện nay, một số cá nhân và tổ chức có xu hướng đầu
tư bất động sản để nắm giữ lâu dài thay vì khai thác sử dụng hoặc đưa vào giao
dịch. Điều này đã làm suy giảm nguồn cung nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực, khiến
giá bất động sản tăng cao…. do đó Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông
nghiệp và Môi trường) đã đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế đối với cá nhân, tổ chức
sở hữu bất động sản thứ hai. Vậy cụ thể ra sao, mời các bạn cùng tìm hiểu tại
bài viết dưới đây.
1, Khái niệm đánh
thuế đối với bất động sản thứ hai
Theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015, bất động
sản bao gồm:
-
Đất đai.
-
Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai.
-
Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình
xây dựng.
-
Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó có thể hiểu bất động sản là tài sản bao gồm
đất đai và các tài sản gắn liền với đất, chẳng hạn như nhà cửa, công trình xây
dựng, cây cối,…
Đánh thuế bất động sản thứ hai là việc áp dụng thuế đối với cá nhân hoặc tổ chức sở hữu từ hai bất
động sản trở lên. Khi đó, bất động sản thứ nhất có thể được miễn thuế để thực
hiện việc "an cư lạc nghiệp" của người dân. Nhưng bất động sản thứ
hai thì phải nộp thuế.
Đánh thuế bất động sản thứ hai, nói đơn giản, là việc
nhà nước thu thêm tiền thuế từ những người sở hữu nhiều hơn một bất động sản
(như nhà, đất). Nếu người sở hữu chỉ có một căn nhà để ở thì không bị tính thuế
này, nhưng từ căn thứ hai trở lên (ví dụ: mua để đầu tư, cho thuê, hoặc để trống),
cá nhân, tổ chức sẽ phải nộp thuế.
2. Mục đích của
đánh thuế đối với bất động sản thứ hai
Tại tiểu mục 3 Mục 6 Báo cáo
245/BC-BTNMT năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất Bộ Tài
chính nghiên cứu ban hành quy định về đánh thuế bất động sản thứ 2 như sau:
3. Bộ Tài chính
nghiên cứu, rà soát, xem xét về đối tượng, thuế suất trong việc thu tiền sử
dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;
nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định thực hiện đánh thuế đối
với bất động sản thứ hai nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng và khuyến
khích sử dụng đất hiệu quả; rút ngắn thời gian nộp tiền sử dụng đất sau khi
trúng đấu giá quyền sử dụng đất để khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến
việc bỏ cọc, không nộp tiền trúng đấu giá.
Vì hiện nay, một số cá nhân và tổ
chức có xu hướng đầu tư bất động sản để nắm giữ lâu dài thay vì khai thác sử
dụng hoặc đưa vào giao dịch. Điều này đã làm suy giảm nguồn cung nhà ở phục vụ
nhu cầu ở thực, khiến giá bất động sản tăng cao.
Do đó, việc đánh thuế bất động sản
thứ hai sẽ giúp:
-
Giảm đầu cơ: Ngăn chặn việc
nhiều người mua nhà đất chỉ để chờ tăng giá rồi bán kiếm lời, thay vì sử dụng
thực sự.
-
Hạ nhiệt giá nhà: Khi ít người
gom nhiều bất động sản, nguồn cung nhà đất sẽ dồi dào hơn, giúp giá không bị
đẩy lên quá cao, người dân dễ mua nhà để ở hơn.
-
Tăng công bằng: Những ai sở
hữu nhiều tài sản sẽ góp thêm thuế, giảm chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.
-
Thêm tiền cho ngân sách: Nhà nước có
thêm nguồn thu từ thuế để chi cho các việc như xây đường, trường học, bệnh
viện.
Vì vậy, việc đánh thuế bất động sản
thứ hai vừa để quản lý thị trường nhà đất, vừa để xã hội cân bằng và phát triển
tốt hơn.
3. Mức đánh thuế
đối với bất động sản thứ hai
Trên thế giới, Singapore đã áp dụng các biện pháp mạnh
tay để kiềm chế đà tăng giá bất động sản. Theo đó, bất cứ người Singapore nào
mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 30% cho
căn nhà thứ 3. Đối với người nước ngoài mua tài sản cá nhân, dù là bất cứ
ngôi nhà nào, thuế suất phải nộp sẽ tăng gấp đôi lên 60% từ mức 30% trước
đó. Trường hợp người mua bất động sản rồi bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng
thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là
4%. Phải đến năm 4, người bán mới không phải đóng thuế.
Tại Hàn Quốc, nếu chủ sở hữu bất động sản không đưa
BĐS tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất,
đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế
5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10
năm thì đánh thuế 10%. Còn tại Mỹ, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế 3%.
Tại Việt Nam, hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào
về việc đánh thuế bất động sản thứ hai. Tuy nhiên, đã có những đề xuất từ các
cơ quan chức năng về việc nghiên cứu và áp dụng loại thuế này. Cụ thể, Bộ Tài
chính đang tiến hành nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và xác định những
vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách thuế liên quan đến bất động sản
để báo cáo cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp.
Theo nhiều chuyên gia đề xuất, để đảm bảo công bằng
và hạn chế tình trạng lách thuế, có thể áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên
giá trị chênh lệch giữa giá mua và giá bán giống như thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có thể thấy việc đánh thuế bất động sản theo phương
thức nào, thời gian nào cũng cần cân nhắc kỹ để đảm bảo sự ổn định cho thị trường
bất động sản, đồng thời không gây xáo trộn quá lớn đến tâm lý của nhà đầu tư
cũng như khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.
4. Đánh thuế đối với bất động sản thứ hai
có cần thiết?
Từ
góc nhìn pháp lý và quản lý nhà nước, việc ban hành chính sách thuế đối với người
sở hữu bất động sản thứ hai trở lên là cần thiết, hợp lý và phù hợp với nguyên
tắc điều tiết tài sản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu tích trữ, đầu
cơ tài sản để thu lợi, việc áp dụng chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ là công
cụ hữu hiệu để khôi phục sự cân bằng trong phân phối nhà ở và nâng cao hiệu quả
sử dụng đất đai – tài nguyên có tính chất đặc biệt và hữu hạn.
Tuy
nhiên, việc đánh thuế lên bất động sản thứ hai chỉ nên áp dụng khi Nhà nước đã
có đầy đủ điều kiện pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo công bằng và minh bạch, đồng
thời cần phân biệt rõ giữa bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực (ví dụ: nhà cho
con cái, người thân ở; nhà thừa kế...) và bất động sản đầu cơ (tích trữ, bỏ trống,
mua đi bán lại ngắn hạn). Nếu thiếu cơ chế phân loại này, chính sách sẽ khó
tránh khỏi phản ứng xã hội và có nguy cơ làm suy giảm niềm tin vào nền kinh tế
thị trường bất động sản.
Ngoài
ra, cần phải hoàn thiện hệ thống dữ liệu bất động sản quốc gia, bảo đảm mỗi cá
nhân, pháp nhân chỉ có thể đứng tên – sở hữu tài sản gắn với mã định danh duy
nhất. Vì hiện nay, việc “lách luật” bằng hình thức nhờ người đứng tên hoặc phân
tán sở hữu là điều khó tránh khỏi, làm mất tính hiệu lực của chính sách.
XTLaw
cho rằng đánh thuế đối với bất động sản thứ hai là một chính sách pháp luật cần
thiết. Tuy nhiên, chúng tôi đồng thời kiến nghị Nhà nước chỉ triển khai khi đã
có đầy đủ nền tảng pháp lý, kỹ thuật và minh bạch thông tin. Chính sách thuế cần
được quy định phù hợp, đúng đối tượng, đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý và
khả thi trong thực tiễn áp dụng.
Trên đây là những nội dung XTLaw trao đổi về
bài viết “Đánh thuế đối với bất động sản thứ hai”, khách hàng cần được tư vấn pháp luật liên hệ
ngay tới XTLaw qua Hotline 0969896148!