Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân
nhằm chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vợ chồng có quyền
lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Tài sản chung của vợ
chồng bao gồm những tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động
sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp
pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc
được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Bộ luật dân sự năm 2015 hiện hành không có
quy định nào điều chỉnh việc lập di chúc chung của vợ chồng nhưng cũng không có
điều luật nào cấm vợ chồng lập di chúc chung. Vì vậy, việc lập di chúc chung
hay riêng của vợ chồng sẽ tùy thuộc vào ý chí của mỗi cá nhân. Di chúc chung của
vợ chồng sẽ có hiệu lực pháp luật nếu nó đáp ứng đủ về mặt chủ thể, hình thức
và nội dung của một bản di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân
sự năm 2015 như sau:
“Người
lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa,
cưỡng ép;
Nội
dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
hình thức di chúc không trái quy định của luật”.
Thời điểm mở thừa kế là khi người để lại
di sản chết và di chúc phát sinh hiệu lực, di chúc chung sẽ được mang ra thực
hiện theo ý chí của vợ chồng đã định đoạt. Thời điểm này có ý nghĩa đối với việc
xác định phần tài sản chung nào là di sản thừa kế và các nghĩa vụ về tài sản mà
vợ, chồng để lại, xác định được những người có quyền hưởng di sản chung của vợ
chồng để lại theo di chúc, là căn cứ bắt đầu tính thời hiệu về thừa kế. Chính
vì thế việc xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc nói chung và di chúc chung
của vợ chồng nói riêng là rất quan trọng, không xác định đúng thời điểm sẽ dẫn
tới hàng loạt các tranh chấp liên quan đến di chúc chung, xâm phạm tới quyền và
lợi ích hợp pháp của những người hưởng thừa kế và những người có quyền và lợi
ích liên quan.
Tại Điều 668 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định
di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại
thời điểm vợ, chồng cùng chết.
Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi
hành từ ngày 31/12/2016, tại Điều 643 quy định về hiệu lực của di chúc và có
quy định chung về thời điểm có hiệu lực của di chúc. Theo đó, khi vợ chồng lập
di chúc chung thì sẽ có hiệu lực một phần khi một trong hai bên mất. Phần di
chúc có hiệu lực là phần di chúc có liên quan đến di sản của người đã chết, phần
còn lại chưa phát sinh hiệu lực đến khi nào cả hai cùng chết di chúc sẽ có hiệu
lực toàn bộ.
Như vậy trước khi bộ luật dân sự năm 2015
có hiệu lực thì di chúc chung vợ chồng vẫn áp dụng theo quy định tại Điều 668 Bộ
luật dân sự năm 2005.
Một số vấn đề cần lưu ý:
- Di chúc chung của vợ chồng khi định đoạt
tài sản chung thì chủ thể phải là vợ chồng hợp pháp. Nếu vợ hoặc chồng hoặc cả
hai vợ chồng đều định đoạt tài sản riêng của mình trong di chúc chung thì mỗi
người đều có quyền tự do định đoạt cũng như thay đổi phần liên quan đến tài sản
riêng của mình trong di chúc chung mà không cần sự đồng ý của người kia.
- Trong di chúc chung của vợ chồng, không
được ủy quyền cho người kia lập di chúc thay mình hay việc ký thay di chúc cũng
như quyết định các vấn đề liên quan đến nội dung di chúc chung. Vì di chúc
chung là sự thống nhất, tự nguyện của vợ chồng trong các nội dung liên quan đến
di chúc chung. Hơn nữa Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài
sản của mình cho người khác sau khi chết.