Câu hỏi: Vợ chồng tôi lấy nhau được 10 năm nay và có với
nhau 2 người con. Một cháu 8 tuổi và một cháu 12 tháng tuổi. Thời gian gần đây,
chồng tôi không chịu kiếm công ăn việc làm, bỏ bê con cái cờ bạc, rượu chè rồi
lại về đánh chửi vợ con, nên hiện tại tôi muốn ly hôn với chồng. Tôi và chồng
đã thỏa thuận về việc ly hôn nhưng chồng tôi không đồng ý cho tôi nuôi hai con?
Tôi muốn hỏi Luật sư là tôi phải làm thế nào?
XTLaw xin trả lời câu hỏi của bạn
như sau:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, ly hôn là việc chấm dứt
quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng bằng một Bản án/Quyết định có hiệu lực pháp
luật của Tòa án. Do đó, để ly hôn và dành quyền nuôi con thì bạn cần phải xác định
các quyền và nghĩa vụ của mình.
Với mong muốn của bạn chúng tôi đưa ra 2 phương án giải quyết như sau:
Phương án thứ nhất: Trường hợp bạn có thể thực hiện phương án
này, sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết, đỡ tốn kém tiền bạc cũng như vẫn giữ
được tình cảm giữa các bên. Đó là bạn hãy cố gắng thuyết phục, cũng như thỏa
thuận với chồng mình để bạn nuôi cả hai con. Bởi theo quy định của pháp luật hiện
hành, cũng như thực tiễn các vụ án ly hôn mà chúng tôi đã xử lý thì việc để bạn
giành được quyền nuôi cả 2 con ở thời điểm hiện tại không dễ dàng.
Bên cạnh đó, bạn có 1 bạn nhỏ 8 tuổi, theo quy định tại khoản 2 Điều
81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 khi ly hôn hai vợ chồng có thể thỏa
thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi
ly hôn; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho các bên trực
tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi
trở lên thì sẽ phải xem xét nguyện vọng của bé. Vì vậy, trường hợp hai vợ chồng
không thể thỏa thuận được với nhau để bạn nuôi cả hai con mà phải yêu cầu Tòa
án giải quyết, Tòa sẽ hỏi ý kiến của con. Có rất nhiều trường hợp khi bé bị Tòa
hỏi sẽ cảm thấy sợ hãi, nhiều bố mẹ lôi cả con đến Tòa để bé chứng kiến cảnh bố
mẹ cãi vã nhau, vô cùng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Vì vậy, theo chúng tôi mỗi bên nên nhẫn nhịn một chút, cùng vì lợi ích của
con trẻ để có thể thỏa thuận về việc nuôi con, để sau khi ly hôn, chúng ta vẫn
còn gặp lại nhau, cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng các con trưởng thành.
Phương án thứ 2: Trong trường hợp bạn không thể thỏa thuận với
chồng về việc nuôi hai bạn nhỏ, bạn hãy nộp đơn ly hôn tại Tòa và đề nghị Tòa
án giải quyết, quyết định việc giao con cho mình nuôi dưỡng, chăm sóc. Bạn có 2
bạn nhỏ, 1 bạn 8 tuổi và 1 bạn 12 tháng tuổi, theo quy định tại Điều 81 Luật
hôn nhân và gia đình 2014 thì bạn 12 tháng tuổi sẽ trực tiếp giao cho mẹ
nuôi dưỡng chăm sóc, còn bạn 8 tuổi nếu hai vợ chồng không thống nhất được thì
Tòa sẽ hỏi ý kiến của trẻ, cùng với việc xem xét các điều kiện còn lại nhằm mục
đích đảm bảo cuộc sống cho trẻ.
Trong trường hợp này bạn cần chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ để chứng
minh những điều kiện để có thể giành quyền nuôi cả hai bạn nhỏ như sau:
-
Điều kiện
về kinh tế: Việc một mình nuôi
dưỡng, chăm sóc cả hai bạn nhỏ sẽ không dễ dàng và với người chồng hiện tại của
bạn không công ăn việc làm, chơi bời cờ bạc thì việc bạn đề xuất cấp dưỡng chắc
chắn sẽ khó thực hiện, nên bạn phải xác định trường hợp tự mình nuôi hai con,
có thể không nhận được trợ cấp từ bố đứa trẻ. Vì vậy, trường hợp này bạn cần chứng
minh điều kiện tài chính của mình đảm bảo để nuôi dưỡng, chăm sóc cho cả hai bạn
nhỏ.
-
Điều kiện
về nơi ở: Khi nộp hồ sơ ly hôn
và yêu cầu được nuôi dưỡng hai bạn nhỏ, bạn cũng cần chứng minh về nơi ở ổn định
sau khi ly hôn, để đảm bảo cho việc học hành cũng như phát triển của các con.
-
Ngoài điều
kiện về kinh tế hay nơi ở, theo trình bày của bạn chúng tôi nhận thấy bạn có thể
chuẩn bị thêm những căn cứ về việc chồng mình không có công ăn việc làm, thường
xuyên cờ bạc, rượu chè, còn đánh đập bạn, không chăm sóc, hay giáo dục con cái.
Việc này bạn có thể xin xác nhận của những người hàng xóm xung quanh hay ông
trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố để làm căn cứ vững chắc hơn trong việc giành
quyền nuôi con.
-
Sau khi bạn
chuẩn bị đầy đủ những hồ sơ, tài liệu nêu trên, bạn nộp Đơn khởi kiện tại Tòa
án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú cùng những giấy tờ tài liệu
sau:
1. Đăng ký kết hôn (Bản gốc)
2.
CCCD, sổ hộ
khẩu của vợ/chồng (bản sao chứng thực)
3.
Xác nhận
nơi cư trú của chồng (bản sao chứng thực)
4.
Giấy khai
sinh của hai con (bản sao chứng thực)
5.
Những chứng
cứ chứng minh cho yêu cầu nuôi con như bảng lương, căn cứ chỗ ở sau ly hôn, hay
những xác nhận mà chúng tôi đã hướng dẫn ở trên.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của XTLaw, mọi thắc mắc xin liên hệ (+84) 865 766 989 hoặc website: https://xtlaw.com.vn/