Trong thời gian gần đây, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đã trở thành một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Một trong những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của người dân là liệu sự thay đổi này có bắt buộc phải đổi sổ đỏ mới hay không? Đây là một vấn đề pháp lý quan trọng mà người dân cần hiểu rõ để đảm bảo quyền lợi đất đai của mình trong bối cảnh hành chính được điều chỉnh. Hãy cùng Luật XTVN tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Có phải bắt buộc
phải đổi sổ đỏ mới không?
Trước tiên cần phải khẳng định, trường hợp sắp xếp lại đơn vị hành chính
thì không bắt buộc phải đổi Sổ đỏ sang mẫu mới mà chỉ đổi khi người sử dụng
đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
Cụ thể, điều này đã được khẳng định tại khoản 2 Điều 133 Luật Đất đai
2024 như sau:
“2. Các trường hợp
đăng ký biến động quy định tại khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền xác
nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu
tài sản gắn liền với đất có nhu cầu. Đối với trường hợp đăng ký biến động quy định
tại điểm p khoản 1 Điều này thì được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên
giấy chứng nhận đã cấp”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định:
“1. Đăng ký biến động
được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng
nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng
hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn
liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn
liền với đất mà có thay đổi sau đây:
....
d) Thay đổi ranh giới,
mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất”
Như vậy có thể hiểu, khi tỉnh, thành nơi có đất sắp xếp lại đơn vị
hành chính, nếu muốn được cấp Giấy chứng nhận mới thì người dân buộc phải thực
hiện đăng ký biến động. Tuy nhiên, việc đăng ký biến động để được cấp Sổ mới là
không bắt buộc và chỉ thực hiện khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn
liền với đất có nhu cầu mà thôi.
Trường hợp người sử dụng
đất vẫn muốn đổi sang mẫu mới thì thông tin trên Sổ sẽ ghi như sau: “Đổi
tên ... (ghi tên đơn vị hành chính trước thay đổi) thành ... (ghi tên mới của
đơn vị hành chính)”.
Ví dụ: Trường hợp
thay đổi tên đơn vị hành chính huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm thì ghi:
“Tên huyện thay đổi từ huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm”.
(Căn cứ: khoản 21 Điều
13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT)
Đồng thời qua quy định nêu trên, mặc
dù không bắt buộc đổi sang sổ mới, tuy nhiên khi có thay đổi về địa chỉ của thửa
đất, người dân cần phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định.
Lợi ích của việc cập nhật thông tin trên sổ đỏ:
Một, đảm bảo tính chính xác và hợp pháp của sổ đỏ: Thông tin
trên sổ đỏ là căn cứ pháp lý quan trọng xác nhận quyền sử dụng đất của người sở
hữu. Khi địa chỉ hành chính thay đổi nhưng sổ đỏ không được cập nhật, các giao
dịch hoặc hoạt động liên quan đến đất đai có thể gặp khó khăn hoặc bị trì hoãn
do thông tin không khớp. Việc chủ động chỉnh sửa thông tin giúp đảm bảo rằng sổ
đỏ phản ánh đúng thực tế, từ đó duy trì giá trị pháp lý và ngăn ngừa tranh chấp.
Hai, thuận lợi trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử
dụng đất: Đối với các giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc thế chấp quyền sử dụng
đất, tính chính xác và đầy đủ của thông tin trên sổ đỏ đóng vai trò quyết định.
Một sổ đỏ có thông tin cập nhật đúng thực tế sẽ giúp giao dịch diễn ra nhanh
chóng và suôn sẻ hơn, đồng thời tăng độ tin cậy đối với bên mua hoặc tổ chức
tài chính.
Ba, tránh rủi ro về tranh chấp và pháp lý: Nếu thông tin
trên sổ đỏ không được cập nhật, người dân có thể đối mặt với nguy cơ bị nhầm lẫn
hoặc tranh chấp về quyền sử dụng đất. Điều này có thể gây ra các vấn đề pháp lý
phức tạp, mất thời gian và chi phí để giải quyết. Chủ động cập nhật địa chỉ
giúp giảm thiểu rủi ro này và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất.
Bốn, tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính: Sổ đỏ với thông
tin địa chỉ chính xác giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính
liên quan đến đất đai, như cấp phép xây dựng, gia hạn quyền sử dụng đất, hoặc
xin cấp đổi, cấp lại giấy tờ khi cần thiết. Điều này tiết kiệm thời gian và giảm
thiểu phiền hà khi làm việc với cơ quan chức năng.
Năm, góp phần nâng cao ý thức quản lý và sử dụng đất: Chủ động
cập nhật thông tin trên sổ đỏ cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân
trong việc tuân thủ quy định pháp luật, góp phần vào việc quản lý đất đai hiệu
quả hơn ở địa phương.
Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, mang lại
nhiều lợi ích cho công tác quản lý nhà nước. Mặc dù không bắt buộc phải đổi sổ
đỏ mới, tuy nhiên, , việc cập nhật thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất là nghĩa vụ mà mỗi người dân phải thực hiện. Người dân nên cân nhắc nhu cầu
thực tế và tham khảo ý kiến từ cơ quan chức năng hoặc các chuyên gia pháp lý để
đảm bảo quyền lợi của mình. Mọi vướng mắc trong quá trình cập nhật thông tin, đổi
sổ đỏ mới hãy liên hệ XTVN để được tư vấn, hỗ trợ và sử dụng dịch vụ pháp lý
chuyên nghiệp nhất.