Cục Cảnh sát quản lý hành
chính về trật tự xã hội (Cục C06, Bộ Công an) vừa ký thỏa
thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06, trong
đó có nội dung đề cập tới hoạt động định danh số nhà.
Theo Cục C06 cho biết, bưu
điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ
Công an có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. Cục C06 sẽ phối hợp cùng bưu
điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà. Kế hoạch này còn giúp tiết
kiệm rất nhiều chi phí cho Nhà nước thông qua việc tận dụng những dữ liệu đã có
sẵn để liên thông, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.
Cũng theo Cục C06, hiện nay,
Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đang là 2 cơ quan quản lý Nhà nước
chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở. Mục tiêu là đánh số cụ thể đến
từng ngôi nhà, từng căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Căn cứ dữ
liệu trên, Bộ Công an sẽ thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin
thu thập từ UBND các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số
nhà.
Theo Giám
đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, việc định danh số nhà sẽ mang lại
nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan quản lý: “Thứ nhất là minh bạch quản lý, biết được anh có bao nhiêu căn hộ, bao
nhiêu căn nhà. Thứ hai là những điều đó phục vụ cho logistic, vận chuyển hàng
hóa, giao hàng. Thứ ba là chính từ việc định danh sẽ tổ chức thành các mạng
lưới, khi người dân đi đâu cũng dễ dàng kê khai, khai báo. Khi người dân nhận
đồ đạc được gửi tới thì thông tin cũng chuẩn 100%”.
Vấn đề minh
bạch về tài sản là bất động sản là một vấn đề cốt lõi trong kế hoạch định danh
số nhà. Theo đó, cơ quan quản lý có thể nắm rõ một người đang sở hữu bao nhiêu
căn nhà, bất động sản. “Khi định danh
được số nhà, đồng nghĩa với cơ quan quản lý biết được ông chủ của căn nhà đấy
là ai. Biết được một ông chủ có bao nhiêu căn nhà. Đấy chính là minh bạch” -
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia,
chính sách này sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, đặc biệt là giảm
tình trạng đầu cơ, tích trữ và giúp những người thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp
cận với nhà ở.
Dù nhận định việc định danh số nhà,
quản lý chặt chẽ bất động sản là xu hướng của nhều quốc gia, đặc biệt là khi ứng
dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Việc thực hiện quản lý bất động
sản theo hướng "nhà chính chủ", quản lý tài sản trong xã hội là việc
cần làm của các chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý hành chính,
truy thu thuế. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá nhạy cảm vì liên quan đến quyền sở
hữu tài sản của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với các tài sản của cán bộ
công chức. Định danh số nhà tạo điều
kiện thuận lợi để chủ sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, nhà nước tăng cường
công tác quản lý... Tuy nhiên, nếu không được bảo mật tốt sẽ ảnh hưởng đời sống
riêng tư của công dân.
Bài
toán đặt ra: “Liệu sau định danh bất động
sản trên số nhà thì tiếp đó có đánh thuế người sở hữu nhiều nhà. Khi đó, người
có nhiều nhà họ sẽ bán giá cao hơn và người mua nhà chịu ảnh hưởng”. Nếu việc định danh
cá nhân về tài sản nhằm mục đích quản lý tài sản của từng công dân nhưng nếu
không kiểm soát được tình trạng đứng tên hộ bất động sản thì những thông tin
về định danh bất động sản cũng chỉ có tính chất tương đối. Người đứng tên bất động
sản chưa chắc đã phải là chủ sở hữu thực sự đối với bất động sản đó.
Bởi vậy, khi tổ chức
thực hiện định danh số nhà thì phải cần có kế hoạch rất cụ thể, đồng thời tuyên
truyền phổ biến để người dân nắm được sự cần thiết, những lợi ích mà người dân
có thể có được khi định danh số nhà.