Theo thông tin ban đầu, chiều ngày 5/6,
tài xế chiếc Hyundai Creta đỗ xe sát đường tàu gần chợ Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm, Hà
Nội) để đi chợ. Sau khi người dân phát hiện tàu chở hàng sắp chạy qua đã báo hiệu
cho chủ xe. Tuy vậy, tài xế không kịp lái xe ra nơi khác, đoàn tàu húc trúng đầu
ôtô gây hư hỏng nặng. Tình huống này đặt ra nhiều thắc mắc của độc giả về các vấn
đề liên quan tới trách nhiệm bồi thường cũng như đền bù.
Phân
tích sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Huế - Công ty Luật TNHH
XTVN có một số trao đổi, chia sẻ về sự việc trên như sau:
1.
Tài
xế sẽ bị xử lý ra sao?
Hành vi dừng đỗ ô tô của người điều khiển
xe ô tô trong sự việc này là rất nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn
giao thông, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm mà người này có thể bị xử
phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Theo Nghị định 56/2018 quy định về quản
lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo
phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray
ngoài cùng trở ra là 7,5 m với đường sắt tốc độ cao, 5,4 m với đường sắt đô thị
và 5,6 m với những đường sắt còn lại.
Qua clip quay lại sự việc, có thể thấy,
chiếc ô tô đỗ tiếp giáp với đường sắt mà không đảm bảo phạm vi an toàn theo quy
định của pháp luật nên hành vi đỗ xe này là vi phạm luật giao thông đường bộ và
đường sắt. Theo quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và
Điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi “Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh
xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn
giao thông” thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04
tháng.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của
vụ tai nạn giao thông này để xác định đã đến mức nghiêm trọng hay chưa, nếu hậu
quả vụ tai nạn được xác định là nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của người
khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
2.
Ô
tô hư hỏng có được bảo hiểm đền bù?
Người sử dụng ôtô thường tham gia hai loại
bảo hiểm, đầu tiên là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bắt buộc) và
thứ hai là bảo hiểm vật chất xe cơ giới hay gọi tắt là bảo hiểm thân vỏ (tự
nguyện). Trong trường hợp nói về việc xe có được bảo hiểm đền bù hay không, tức
đang nói về bảo hiểm thân vỏ. Loại bảo hiểm này sẽ giúp chủ xe được đền bù khi
xe bị hư hại trong một số trường hợp.
Hiện pháp luật Việt Nam không quy định cụ
thể về bảo hiểm thân vỏ mà quy tắc bảo hiểm sẽ do các công ty bảo hiểm quyết định,
tùy vào chính sách của từng hãng bảo hiểm mà chi tiết hợp đồng sẽ khác nhau. Do
đó, để biết chủ xe có được bảo hiểm vật chất hay không cần phải căn cứ vào quy
định cụ thể trong hợp đồng.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định
về điều khoản loại trừ, tức các trường hợp hãng bảo hiểm không phải bồi thường.
Nhưng điều khoản này cần được ghi cụ thể, chi tiết, rõ ràng trong hợp đồng mới
có thể xác định. Tức về mặt lý thuyết, chủ xe hoàn toàn có thể được bảo hiểm.
Có thể thấy, vụ việc giao thông này sẽ là
bài học cho nhiều người khi không tuân thủ các quy tắc đảm bảo trật tự an toàn
giao thông, bản thân vừa thiệt hại vừa có thể còn vướng vào vòng lao lý. Qua
đây, cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để
nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đồng thời
kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những hành vi dừng đỗ xe sai quy định có thể
gây ra tai nạn giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.