Trong bối cảnh đời sống
pháp lý tại Việt Nam, vấn đề sở hữu, quản lý tài sản chung sau khi kết hôn, đặc
biệt là việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là “sổ
đỏ"), luôn là một vấn đề được nhiều cặp vợ chồng quan tâm khi bất động sản
có thể được xem là một trong những tài sản có giá trị nhất. Liệu rằng theo pháp
luật Việt Nam, sau khi kết hôn, vợ hoặc chồng có thể đứng tên một mình trên sổ
đỏ hay phải đứng tên cả hai? Đây là một câu hỏi phức tạp, liên quan đến nhiều
quy định pháp luật trong Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như Luật Đất đai 2024 mới
ban hành.
1. Tài sản chung hay tài
sản riêng?
Theo quy định tại Điều
33, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân,
trừ trường hợp được thừa kế, tặng cho riêng, giao dịch bằng tài sản riêng hoặc
các trường hợp khác được quy định trong luật, đều được coi là “tài sản chung”
của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng bao gồm: bất động sản, động sản, tiền
bạc, các quyền tài sản, cổ phần, cổ phiếu,...
Điều này có nghĩa là nếu
quyền sử dụng đất hoặc nhà ở được mua sau khi hai người kết hôn, mặc dù chỉ một
người bỏ tiền mua hoặc một người đứng tên, tài sản đó vẫn có thể được coi là
tài sản chung của cả hai. Vợ chồng sẽ có quyền lợi ngang nhau với tài sản chung
đó, bất kể ai là người đứng tên trên giấy tờ pháp lý.
2. Ai có quyền đứng tên
trên sổ đỏ?
Theo Điều 34 của Luật Hôn
nhân và Gia đình 2014 và khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024, khi vợ chồng có
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài
sản gắn liền với đất là tài sản chung, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền
sở hữu tài sản gắn liền với đất, hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
phải ghi tên cả hai vợ chồng. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai bên
trong tài sản chung.
Tuy nhiên, pháp luật cũng
không cấm việc một người đứng tên riêng trên sổ đỏ. Cụ thể, pháp luật công nhận
sự thỏa thuận của vợ chồng trong trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một
người để đứng tên làm đại diện trên Giấy chứng nhận. Với trường hợp này, quyền
đối với tài sản chung này của vợ và chồng là tương đương nhau dù chỉ một người
đại diện đứng tên. Ngoài ra, nếu tài sản đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng
(ví dụ như tài sản được tặng cho, thừa kế riêng, hoặc mua bằng tài sản riêng của
vợ hoặc chồng và được thỏa thuận là tài sản riêng, đồng thời có căn cứ chứng
minh tài sản này là tài sản riêng), người đó hoàn toàn có thể yêu cầu ghi tên
mình trên Giấy chứng nhận mà không cần sự đồng ý của người kia.
3. Điều gì xảy ra nếu chỉ
một người đứng tên?
Trong trường hợp một người
vợ hoặc chồng đứng tên trên sổ đỏ mà tài sản đó là tài sản chung, vợ và chồng đều
có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đó. Chẳng hạn, khi tiến
hành các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
đó, bắt buộc phải có sự thỏa thuận đồng ý và chữ ký xác nhận đầy đủ của cả vợ
và chồng thì hợp đồng chuyển nhượng đó mới có hiệu lực pháp lý (trừ trượng hợp
có văn bản ủy quyền của vợ cho chồng hoặc ngược lại). Nếu có tranh chấp, pháp
luật sẽ căn cứ vào các bằng chứng về nguồn gốc tài sản và thời điểm hình thành
để xác định đó là tài sản chung hay riêng.
Tóm lại, việc một người đứng
tên không đồng nghĩa với việc người đó sở hữu toàn bộ tài sản. Quyền lợi của
bên còn lại vẫn được pháp luật bảo vệ nếu có sự tranh chấp phát sinh, đặc biệt
trong trường hợp ly hôn hoặc phân chia tài sản.
4. Cần lưu ý gì khi đứng
tên trên sổ đỏ sau khi kết hôn?
Nếu hai vợ chồng quyết định
mua đất, nhà sau khi kết hôn và xem xét về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đứng tên
chung hoặc đứng tên một người thì cần lưu ý:
- Đồng thuận trong việc
mua bán: Cả hai vợ chồng nên cùng thỏa thuận về quyền sở hữu và cách ghi tên
trên sổ đỏ để tránh tranh chấp sau này.
- Giấy tờ pháp lý: Trong
quá trình làm hồ sơ đứng tên, phải tuân thủ các thủ tục hành chính bắt buộc,
các giấy tờ như đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân của cả hai vợ chồng cần phải
nộp đầy đủ và đúng quy định.
- Lựa chọn hình thức sở hữu:
Nếu vợ hoặc chồng muốn tài sản là tài sản riêng (do thừa kế, tặng cho hoặc mua
bằng tài sản riêng), cần có giấy tờ chứng minh rõ ràng để tránh tranh chấp tài
sản trong tương lai.
Như vậy, sau khi kết hôn,
việc đứng tên sổ đỏ của vợ hoặc chồng là hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng
cần tuân thủ quy định pháp luật về tài sản chung và tài sản riêng cũng như các
quy định về pháp luật đất đai. Để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên, vợ chồng
nên có thỏa thuận rõ ràng về việc cùng đứng tên, hoặc đại diện một người đứng
tên trên sổ đỏ trong trường hợp tài sản chung trong thời ký hôn nhân. Điều này
không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của vợ, chồng mà còn giúp tránh các rắc rối
pháp lý có thể xảy ra sau này. Đồng thời, sự hiểu biết và tuân thủ đúng theo
các quy định pháp luật là yếu tố nền tảng quan trọng để xây dựng sự minh bạch,
công bằng trong quyền sở hữu tài sản của vợ chồng sau hôn nhân.