Công ty luật TNHH XTVN
Gọi Ngay
+84865766989
Chúng tôi luôn làm việc tận tâm trong mọi  Cuộc gọi ngay bây giờ
Hỏi đáp Hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ không hợp pháp xử lý như thế nào?


 

Việc sử dụng bằng giả, chứng chỉ không hợp pháp đề tiếp tục học lên các bậc học cao hơn là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà còn làm mất niềm tin vào hệ thống giáo dục, đồng thời gây thiệt hại cho những người học chân chính. Bài viết này sẽ xem xét các quy định pháp luật liên quan đến hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ không hợp pháp và trách nhiệm pháp lý mà người vi phạm có thể phải đối mặt.

1. Định nghĩa bằng, chứng chỉ không hợp pháp

Bằng, chứng chỉ không hợp pháp bao gồm:

- Bằng giả: Là văn bằng, chứng chỉ được làm giả, không do các cơ quan có thẩm quyền cấp, thường là do các cá nhân, tổ chức bất hợp pháp tạo ra để phục vụ cho việc lừa đảo. Bằng giả có thể bao gồm bằng tốt nghiệp phổ thông, bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc các chứng chỉ chuyên môn.

- Bằng thật nhưng sử dụng không hợp pháp: Văn bằng, chứng chỉ hợp pháp nhưng được người sử dụng dùng sai mục đích, chẳng hạn như bằng cấp của người khác, hoặc các trường hợp làm giả thông tin trên văn bằng.

- Chứng chỉ không đủ tiêu chuẩn: Bao gồm các chứng chỉ không được cấp theo quy định pháp luật hoặc chứng chỉ bị làm giả nội dung

Hành vi sử dụng bằng giả để học lên cao hơn xảy ra khi cá nhân sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không hợp pháp để đăng ký học tiếp ở một cấp học cao hơn như đại học, sau đại học hoặc chương trình đào tạo chuyên nghiệp.

2. Quy định pháp luật về sử dụng bằng, chứng chỉ không hợp pháp

Theo quy định pháp luật Việt Nam, hành vi sử dụng bằng giả có thể bị xử lý theo các quy định sau:

a. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định pháp luật hiện hành, không có quy định xử phạt cụ thể về hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Theo đó, tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ với mức phạt cụ thể như:

Theo điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về cấp và quản lý văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ.

Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bẳng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Ngoài ra, các văn bằng, chứng chỉ giả này sẽ bị thu hồi, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

b. Trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu hành vi sử dụng bằng giả nhằm mục đích gian lận hoặc làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, pháp luật xác định cụ thể rằng hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi nào đó thì việc đó là hành vi trái pháp luật. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà người sử dụng tài liệu giả có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất 6 tháng, cao nhất là 7 năm. Khi không áp dụng hình phạt chính là phạt tiền thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

c. Xử lý trong lĩnh vực giáo dục

Theo các quy định nội bộ của các trường đại học, cơ sở đào tạo, nếu phát hiện sinh viên hoặc học viên sử dụng bằng giả để nhập học, trường có quyền hủy kết quả học tập, đình chỉ học hoặc buộc thôi học. Những cá nhân này cũng có thể bị cấm thi lại hoặc nhập học lại tại các cơ sở giáo dục khác.

3. Kết luận

Hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ không hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả cá nhân và toàn xã hội. Việc xử lý vi phạm có thể bao gồm các biện pháp hành chính và hình sự. Người vi phạm có thể phải đối mặt với các hình phạt nặng nề, mất cơ hội phát triển sự nghiệp và bị ảnh hưởng danh dự trong dài hạn. Do đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và tránh các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

 

 



Công ty luật TNHH XTVN
Hotline: 0865766989
Công ty luật TNHH XTVN Chat FB với chúng tôi
Công ty luật TNHH XTVN