Ngày nay, nhu cầu sử dụng trà sữa ngày càng
phổ biến, các thương hiệu trà sữa mọc lên hàng loạt. Thực tế, không ít các
thương hiệu trà sữa bị nhái lại không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của
chính thương hiệu này mà còn ảnh hưởng đến việc nhượng quyền thương hiệu cho đối
tác. Do đó, việc bảo hộ thương hiệu trong kinh doanh trà sữa là một điều vô
cùng cần thiết giúp ngăn chặn được việc nhái lại tên gọi - nhãn hiệu và công thức
pha trà sữa. Vậy, chủ thương hiệu trà sữa
cần làm gì để bảo hộ thương hiệu của mình. Hãy cùng Luật XTVN tìm hiểu qua bài viết dưới
đây:
I. BẢO HỘ NHÃN HIỆU TRÀ SỮA
1. Điều kiện để được bảo hộ nhãn hiệu
Căn cứ vào quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu
trí tuệ 2022:
“Nhãn hiệu
được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là
dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba
chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc
hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
2. Có khả
năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ
của chủ thể khác.”
Theo đó,
thương hiệu trà sữa nếu đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì có thể được bảo
hộ nhãn hiệu.
2. Thủ tục đăng
ký bảo hộ nhãn hiệu
Trước khi
tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chủ thương hiệu trà sữa nên tra cứu
nhãn hiệu nhằm kiểm tra có nhãn hiệu trùng hay tương tự với nhãn hiệu của chủ thể
khác hay không. Đồng thời đánh giá được khả năng nhãn hiệu đó có được cấp văn
bằng bảo hộ hay không. Việc tra cứu có thể qua các hình thức như: Tra cứu sơ bộ
trên website hoặc tra cứu có trả phí từ Cục Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ vào
quy định tại Phần II.6 Nội dung cụ thể
của từng thủ tục hành hành chính trong Quyết định số 3038/QĐ-BKHCN. Theo đó, thủ
tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trà sữa gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ
sơ đăng ký
Thành phần hồ sơ: Theo quy
định tại khoản 1 Điều 100, 101 và Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ, Phần IV Phụ lục
I Nghị định 65/2023/NĐ-CP và Điều 24 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN bao
gồm:
- Tờ khai
đăng ký nhãn hiệu theo Mẫu số 08 tại Phụ lục I Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ;
- Mẫu
nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang
nhãn hiệu;
- Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu
hiệu đặc biệt (biểu tượng, cờ, huy hiệu, con dấu…);
- Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn
hiệu chứng nhận phải có:
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu
chứng nhận;
+ Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký
là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể,
nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý
của đặc sản địa phương);
+ Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn
gốc địa lý của đặc sản địa phương (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể,
nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý
của đặc sản địa phương);
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại
diện);
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người
nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu
cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp
nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục
Sở hữu trí tuệ).
Hình thức
thức nộp:
- Trực tiếp hoặc
qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng
đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng;
- Trực tuyến qua Hệ
thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bước 2: Theo dõi đơn đăng ký
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ
tiếp nhận, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:
Thẩm định hình thức:
+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp
đơn hợp lệ;
+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp
đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo
thẩm định hình thức đơn;
+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không
hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo
quy định.
+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp
đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo
thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến
hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
Công bố đơn: trong thời hạn 02
tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn
hợp lệ. Sau đó, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được công
bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Thẩm định nội dung:
+ 09 tháng kể từ ngày công bố đơn;
+ 12 tháng kể từ ngày công bố đơn trong trường
hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra
thông báo thẩm định nội dung đơn;
+ 12 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn
trong trường hợp đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn
có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định;
+ 15 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn
trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở
hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn và đơn không đáp ứng điều kiện
bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời
hạn theo quy định.
Bước 3: Nhận kết quả về việc cấp
văn bằng bảo hộ
- Cấp văn bằng bảo hộ: trong thời hạn 15 ngày
kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí;
- Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên
Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ
ngày ra quyết định.
3. Thời hạn bảo
hộ
Theo quy định
tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 thì: “Giấy chứng nhận đăng ký
nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể
gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm”.
Như vậy, thời
hạn bảo hộ sử dụng độc quyền nhãn hiệu quán trà sữa là 10 năm tính từ ngày nộp
đơn, nếu sau thời hạn 10 năm vẫn muốn tiếp tục được bảo hộ thương hiệu thì có
thể thực hiện thủ tục gia hạn nhiều lần mà không bị hạn chế số lần gia hạn và
mỗi lẫn gia hạn là 10 năm.
III. BẢO HỘ
CÔNG THỨC PHA TRÀ SỮA
Tại điểm c khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí
tuệ 2022 quy định rằng: “c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập
trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo
mật bí mật kinh doanh đó”. Theo đó, công thức pha trà sữa có thể bảo hộ
dưới 02 hình thức là hình thức bảo hộ tự động không cần đăng ký và bảo hộ thông
qua đăng ký sáng chế.
1. Tự động bảo hộ, không cần đăng ký
a. Điều kiện để được bảo hộ bí mật kinh doanh
Căn cứ theo quy định tại Điều
84 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy
định về điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ cụ thể như sau:
“Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện
sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng
có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm
giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí
mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng”
Như vậy thì những điều kiện trên đặt ra các
yêu cầu cao về tính độc đáo và giữ bí mật cho thông tin kinh doanh, đồng thời
khuyến khích sự đầu tư và chăm sóc đặc biệt từ phía chủ sở hữu để bảo vệ quyền
lợi và lợi ích của họ.
Tuy nhiên, bí mật kinh doanh để được mặc
nhiên bảo hộ mà không cần phải đăng ký thì cần phải đáp ứng hết những điều kiện
tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã được nêu ở trên. Đồng thời, bí mật
kinh doanh không được rơi vào các trường hợp không bảo hộ tại Điều 85 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 cụ thể như sau:
“Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh
nghĩa bí mật kinh doanh:
1. Bí mật về nhân thân;
2. Bí mật về quản lý nhà nước;
3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;
4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.”
b. Thời hạn bảo hộ bí mật kinh
doanh
Thời hạn bảo hộ trong trường
hợp này, bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn cho đến khi bị công
khai.
2. Bảo hộ thông qua đăng ký sáng chế
a. Điều kiện để được bảo hộ bí mật kinh doanh
Bảo hộ bí mật kinh doanh cũng có thể được thực hiện thông qua đăng ký
sáng chế. Theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, để được cấp Bằng độc quyền
sáng chế, công thức pha trà sữa cần đáp ứng các điều kiện chung sau:
“1. Sáng chế
được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều
kiện sau đây:
a) Có tính
mới;
b) Có trình
độ sáng tạo;
c) Có khả
năng áp dụng công nghiệp.
2. Sáng chế
được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải
là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính
mới;
b) Có khả
năng áp dụng công nghiệp.”
Trong đó, về
tính mới của sáng chế phải đáp ứng được quy định Điều 60 của Luật Sở hữu trí
tuệ 2022.
b. Thời hạn bảo
hộ sáng chế
Thời gian bảo hộ của văn bằng sáng chế là 20 năm tính từ ngày nộp đơn và
không được gia hạn thêm thời gian bảo hộ bằng độc quyền sáng chế theo Điều 93 Luật
Sở hữu trí tuệ 2022.
c. Thủ tục đăng
ký bảo hộ sáng chế
Theo quy
định tại Phần II.1 Nội dung cụ thể của
từng thủ tục hành hành chính trong Quyết định số 3038/QĐ-BKHCN. Theo đó, thủ
tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trà sữa gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp
hồ sơ đăng ký
Thành phần hồ sơ: Tại khoản 1
Điều 100, 101 và Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, Phần IV Phụ lục I Nghị định
65/2023/NĐ-CPkhoản 2 và 3 Điều 14 Thông tư
23/2023/TT-BKHCN quy định:
+ Tờ khai
đăng ký sáng chế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I Nghị định
65/2023/NĐ-CP;
+ Bản mô tả
sáng chế và yêu cầu bảo hộ sáng chế (bao gồm cả hình vẽ, nếu có);
+ Bản tóm tắt sáng chế;
+ Tài liệu chứng minh quyền đăng
ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác;
+ Tài liệu chứng minh quyền ưu
tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (bản sao đơn (các đơn) đầu tiên có xác
nhận của cơ quan nhận đơn, trừ đơn PCT);
+ Tài liệu thuyết minh về nguồn
gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng
chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức
truyền thống về nguồn gen;
+ Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn
thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ
phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào
tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Lưu ý: Đối với đơn đăng ký sáng chế mật ngoài các tài liệu nêu trên,
người nộp đơn cần nộp văn bản xác nhận đối tượng đăng ký trong đơn là bí mật
nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Hình thức nộp hồ sơ đăng ký:
+ Trực
tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và
Công nghệ;
+ Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ
sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ
Chí Minh và Đà Nẵng;
Lưu
ý: Đơn đăng ký sáng chế mật phải được nộp ở dạng giấy về Cục Sở
hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và
Đà Nẵng .
Bước 2: Theo dõi đơn đăng ký
Thẩm định hình thức:
+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp
đơn hợp lệ;
+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp
đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo
thẩm định hình thức đơn;
+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không
hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo
quy định’
+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp
đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo
thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến
hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.
Công bố đơn: Trong
tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc ngày
nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày
Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn
hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn;
Thẩm định nội dung:
+ 18 tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu
thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được
yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn trong
trường hợp đơn hợp lệ;
+ 24 tháng kể từ ngày công bố đơn trong trường
hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra
thông báo thẩm định nội dung đơn;
+ 21 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn
trong trường hợp đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn
có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định;
+ 27 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn
trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở
hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn và đơn không đáp ứng điều kiện
bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời
hạn theo quy định;
+ Trong trường hợp đơn có ý kiến phản đối đơn,
thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và
thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp đơn không tính
vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo
quy định.
Lưu ý: Đối với
đơn đăng ký sáng chế mật, thời hạn thẩm định nội dung nêu trên sẽ được tính kể
từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp
trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm
định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày đơn được chấp nhận hợp lệ.
Bước 3: Nhận kết quả về việc cấp
văn bằng bảo hộ
- Cấp văn bằng bảo hộ: trong thời hạn 15 ngày
kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí.
- Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ (trừ
văn bằng bảo hộ sáng chế mật) trên Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ
ngày ra quyết định.