Theo quy định của Luật quốc tịch năm 2008
thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đang làm ăn, sinh
sống ổn định lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam là người đã từng có quốc
tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết
thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam định cư ở
nước ngoài ngày càng cao dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh liên quan. Đặc biệt là
các vấn đề liên quan đến quan hệ dân sự về đất đai và nhà ở. Thực tế, có rất
nhiều vướng mắc xoay quanh việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế đất
đai, đứng tên sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Vấn đề này không
chỉ liên quan trực tiếp đến các chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài,
mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm
quyền về các vấn đề liên quan đến đất đai.
Thừa kế là sự thừa hưởng của người còn sống
đối với tài sản của người đã chết để lại. Hoạt động này tạo nên quan hệ dân sự
giữa các chủ thể tham gia, và nằm dưới sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm
2015 và Luật đất đai.
Theo quy định tại Điều 5 Luật đất đai
2013, người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử
dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm các
đối tượng sau đây:
+ Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước,
đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức
kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội
– nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của
pháp luật.
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước.
+ Cộng đồng dân cư và điểm dân cư.
+ Cơ sở tôn giáo.
+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại
giao.
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật đất
đai đã quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà
ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng
đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn
liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án
phát triển nhà ở.
Như vậy, theo các quy định trên, người Việt
Nam định cư ở nước ngoài là một trong những đối tượng được nhận quyền sử dụng đất.
Theo đó, họ hoàn toàn có quyền được hưởng di sản thừa kế là nhà đất.
Một vấn đề cần lưu ý: Theo quy định tại
Khoản 3 Điều 186 Luật đất đai 2013, trong trường hợp tất cả người nhận thừa kế
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người
nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được
mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế
không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản
khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng
đất thừa kế.