Từ 03/02/2025, người thu gom có thể
từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại? Ủy ban nhân dân cấp xã có trách
nhiệm gì trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt? Hãy cùng XTLaw
hôm nay tìm hiểu, giải đáp những thắc mắc trên.
1. Người
thu gom có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại từ 03/02/2025
Ngày 19 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã
ban hành Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT về Quy trình kỹ thuật thu gom, vận
chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều
5 Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT, quy trình kỹ thuật thu gom thủ công chất thải
rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết được quy định cụ thể như
sau:
a. Di chuyển phương tiện thu gom
- Phương tiện thu gom phải được di chuyển từ điểm
tập kết hoặc điểm lưu giữ đến vị trí thu gom theo lịch trình được phân công;
- Người thu gom có trách nhiệm dừng phương tiện
tại vị trí thu gom và thông báo thời điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt đến
các hộ gia đình, cá nhân.
b. Hướng dẫn và hỗ trợ tại điểm thu gom
- Người thu gom phải hỗ trợ, hướng dẫn hộ gia
đình, cá nhân bỏ chất thải rắn sinh hoạt vào đúng vị trí trên phương tiện thu
gom;
- Trong trường hợp chất thải không được phân loại,
không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương hoặc
không đúng chủng loại theo lịch trình công bố, người thu gom có quyền từ chối
tiếp nhận chất thải;
- Sau khi hoàn tất thu gom, người thu gom phải
vệ sinh vị trí thu gom trước khi di chuyển đến vị trí thu gom tiếp theo.
c. Xử lý vi phạm trong thu gom
- Trường hợp phát hiện vi phạm trong việc giao
chất thải, người thu gom có trách nhiệm kịp thời báo cáo người có thẩm quyền tại
đơn vị công tác để xử lý và quản lý theo quy định pháp luật.
Như vậy từ ngày 03 tháng 02 năm 2025, quy định này có hiệu lực
thi hành, qua đó khẳng định quyền từ chối tiếp nhận chất thải không tuân thủ
quy định phân loại, đóng gói hoặc không đúng chủng loại. Điều này góp phần đảm
bảo hiệu quả trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo
đúng quy trình kỹ thuật và quy định pháp luật.
2. Trách nhiệm của
UBND cấp xã trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Theo quy định tại khoản 7 Điều 77
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã có trách nhiệm
thực hiện các nhiệm vụ sau đây trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt:
a. Kiểm tra và xử lý vi phạm
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật
về bảo vệ môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
- Thực hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật
về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền;
- Tiếp nhận, xem xét và giải quyết các kiến nghị,
phản ánh từ tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt
động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
b. Phối hợp tổ chức thu gom, vận chuyển
- Chủ trì, phối hợp với các cơ sở thu gom, vận
chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã
hội tại địa phương để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến đường thu
gom chất thải rắn sinh hoạt.
c. Hướng dẫn và giám sát
- Hướng dẫn các hộ gia đình và cá nhân chuyển
giao chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc
mang đến điểm tập kết theo quy định;
- Hướng dẫn cộng đồng dân cư tham gia giám sát
hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và công khai thông tin về
các trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh
hoạt.
Những trách nhiệm trên của UBND cấp
xã nhằm đảm bảo việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện hiệu quả,
đúng quy định pháp luật, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.
3. Mức xử phạt
khi không phân loại rác thải
Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định
45/2022/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,
các hành vi vi phạm liên quan đến phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị xử lý
nghiêm khắc. Cụ thể, hộ gia đình và cá nhân có hành vi không phân loại chất thải
rắn sinh hoạt hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo đúng
quy định sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000
đồng.
Điều 6, khoản 2 của Nghị định này
cũng quy định rằng mức phạt đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự sẽ cao
gấp đôi mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Điều này có nghĩa là, nếu tổ chức
không tuân thủ quy định về phân loại rác hoặc sử dụng bao bì chứa chất thải
không đúng, mức xử phạt sẽ dao động từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Phân loại rác thải sinh hoạt không
chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm xã hội của mỗi người dân nhằm bảo
vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Rác thải được phân loại đúng
cách không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc
tái chế và xử lý rác hiệu quả hơn. Ngược lại, việc vi phạm quy định về phân loại
rác sẽ không chỉ làm gia tăng gánh nặng môi trường mà còn dẫn đến các chế tài xử
phạt theo pháp luật.
Để tránh vi phạm pháp luật và góp phần bảo vệ môi trường sống, mỗi hộ
gia đình cần thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn. Hành động
này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng
đồng. Hãy cùng chung tay, bắt đầu từ những việc đơn giản như sử dụng bao bì phù
hợp và phân loại rác một cách đúng đắn, vì một tương lai bền vững hơn cho chính
chúng ta và thế hệ mai sau.
Trên đây là
bài viết của XTVN giúp các quý bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn về quy định pháp luật
xử lý rác thải sinh hoạt, đảm bảo được tinh thần trách nhiệm của người dân
trong việc đảm bảo môi trường xã hội. Nếu có bất cứ thắc mắc nào quý bạn đọc
vui lòng liên hệ ngay tới XTLaw
qua Hotline 0865766898!