Thời
gian gần đây, dư luận đang rất xôn xao về thông tin nhiều người sử dụng bằng
cấp 3, bằng đại học giả để làm việc. Nhiều người thắc mặc đối với những người
sử dụng bằng cấp 3 giả để hợp thức hóa việc học đại học hoặc cao hơn thì những
bằng cấp khác về sau như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của họ có bị thu hồi hay
không? Hành vi sử dụng bằng giả có vi phạm pháp luật hay không?
1. Đối với trường hợp đào tạo trình độ
đại học: Căn cứ theo khoản 3, Điều 20
Thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18-3-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy chế đào tạo trình độ đại học quy định: “Người
học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều
kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị
thu hồi, huỷ bỏ”. Vì vậy trong trường
hợp người học sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả (bằng cấp 3 giả),
tức là chưa tốt nghiệp trung học phổ thông để học đại học thì sẽ bị thu hồi
bằng đại học đã cấp theo quy định trên.
2. Đối với trường hợp đào tạo trình độ
thạc sĩ: Căn cứ điểm a, khoản 3, điều
16 Thông tư 23/2021/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển
sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, thì học viên vi phạm một trong các quy định
sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào
tạo: “a) Có hành vi gian lận trong tuyển
sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để
được cấp văn bằng, chứng chỉ”.
3. Đối với trường hợp đào tạo trình độ
tiến sĩ:
Căn
cứ theo điểm b khoản 5 Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ,
ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28-6-2021 của Bộ Giáo dục và
đào tạo quy định “Nếu nghiên cứu sinh đã
được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành
và trong những trường hợp: hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm,
sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ
điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm
chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo”.
Theo
quy định trên, bằng tiến sĩ sẽ bị thu hồi theo quy định tại điểm b, khoản 5,
điều 21 Thông tư 18/2021/TT-BGDDT ngày 28-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban
hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.
Như
vậy, theo quy định pháp luật, nếu cá nhân có hành vi sử dụng bằng cấp 3 giả thì
người đó sẽ bị thu hồi bằng tốt nghiệp đại học và bằng thạc sĩ và do đó, bằng
tiến sĩ của người này cũng sẽ bị thu hồi vì khi đó “người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển”.
Bởi lẽ điều kiện tuyển
sinh đại học là phải có bằng cấp bằng 3, không có bằng cấp 3 xem như không đáp ứng
điều kiện học đại học nên phải thu hồi bằng đại học; tương tự, đã thu hồi bằng
đại học thì phải thu hồi bằng thạc sĩ, tiến sĩ vì điều kiện học thạc sĩ, tiến
sĩ là phải có bằng đại học. (theo điểm a
khoản 1 Điều 7 Thông
tư 18/2021/TT-BGDDT ngày 28-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Vậy hành vi sử dụng bằng giả sẽ bị xử lý như thế nào?
Việc sử dụng những
văn bằng, chứng chỉ giả trên là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi sử dụng bằng
giả hiện nay không còn được quy định về mức phạt xử lý vi phạm hành chính, do
đó các hành vi sử dụng bằng giả hiện nay đều sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm
hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu
của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”
tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Theo đó, pháp luật
xác định cụ thể rằng hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ
chức để thực hiện hành vi nào đó thì việc đó là hành vi trái pháp luật. Tùy
theo mức độ nghiêm trọng mà người sử dụng tài liệu giả có thể bị phạt tiền từ
30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt
tù thấp nhất 6 tháng, cao nhất là 7 năm. Khi không áp dụng hình phạt chính là
phạt tiền thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt tiền từ 5 triệu đồng
đến 50 triệu đồng.