Nhiều người trong chúng ta đã từng nghe
nói đến di chúc, nhưng di chúc có hiệu lực bao nhiêu năm thì không phải ai cũng
biết và có nhiều người hiểu chưa đúng về thời hạn của di chúc. Qua nội dung bài
viết sau đây chúng ta sẽ cùng làm rõ về vấn đề này.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân
nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Về thời điểm có hiệu
lực của di chúc, khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: “Di chúc sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm mở
thừa kế”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật
Dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường
hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày Tòa
án xác định người đó chết, đồng nghĩa, di chúc sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm
người để lại di chúc chết.
Kể từ thời điểm mở thừa kế tức là khi người
để lại di chúc chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, thì người thừa kế theo
di chúc sẽ có quyền cũng như kế thừa các nghĩa vụ mà người chết đã để lại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật
Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu của di chúc như sau: Thời hiệu để người
thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với đối
với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế…
Như vậy, di chúc có hiệu lực tùy thuộc vào
di sản mà người chết để lại, cụ thể đối với tài sản là bất động sản trong thời
hạn 30 năm; với tài sản là động sản trong thời hạn 10 năm kể từ khi người để lại
di chúc chết. Hết thời hạn này thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản
lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản
được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang
chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản,
30 năm đối với bất động sản.
- Nếu không có người chiếm hữu thì di sản
sẽ thuộc về Nhà nước.