“Nhãn
hiệu âm thanh” - một khía cạnh mới trong lĩnh vực bảo hộ trí tuệ, đang ngày
càng trở nên quan trọng trong việc xác định và tạo dấu ấn riêng biệt cho các doanh
nghiệp và sản phẩm của họ. Trái với quan niệm truyền thống về nhãn hiệu chỉ
liên quan đến hình ảnh và từ ngữ, âm thanh đang trở thành một phương thức sáng
tạo mới và hiệu quả để truyền đạt thông điệp và gợi nhớ trong tâm trí người
tiêu dùng.
1. Khái quát về nhãn hiệu âm
thanh
Thứ nhất, điều kiện xác định nhãn hiệu âm
thanh:
Hiện
nay, trên thế giới chưa có định nghĩa thống nhất về nhãn hiệu âm thanh (Sound
Trademark). Đạo luật Lanham của Hoa Kỳ, ban hành năm 1946, là một trong những
văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc bảo hộ loại nhãn hiệu này. Theo đạo
luật, nhãn hiệu âm thanh không giống các tác phẩm âm nhạc mà có thể là một đoạn
âm thanh riêng lẻ hoặc sự kết hợp các âm thanh khác nhau, như âm thanh từ nhạc
cụ, giọng hát, tiếng động vật hoặc âm thanh từ các vật dụng khác. Miễn là các
âm thanh này đủ đặc trưng để giúp người tiêu dùng ghi nhớ và phân biệt.
Tại
Việt Nam, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP) đã dẫn đến việc sửa đổi khoản 1 Điều 72 của Luật Sở hữu trí tuệ
năm 2005 trong lần sửa đổi năm 2022. Theo đó, “dấu hiệu âm thanh thể hiện được
dưới dạng đồ họa” được công nhận là một trong những điều kiện để nhãn hiệu âm
thanh được bảo hộ tại Việt Nam.
Thứ hai, đặc điểm của nhãn hiệu âm thanh:
(i)
Tính vô hình và khó nhận biết: Vì
không có hình dạng cụ thể, nhãn hiệu âm thanh khiến người tiêu dùng khó ghi nhớ
hơn so với các nhãn hiệu trực quan.
(ii)
Tính động và gián tiếp: Khác với nhãn hiệu
truyền thống thường tĩnh và thể hiện trực tiếp, nhãn hiệu âm thanh là dạng tín
hiệu động và cần thiết bị để tái tạo.
(iii)
Tính vượt thời gian và không gian: Âm
thanh dễ dàng truyền tải qua rào cản ngôn ngữ, thời gian và không gian, nhờ các
phương tiện truyền thông hiện đại, khiến nó có khả năng lan tỏa rộng rãi và dễ
dàng được tiếp nhận.
Thứ ba, ý nghĩa của việc bảo hộ nhãn hiệu
âm thanh:
-
Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh giúp bảo vệ quyền sử dụng của chủ sở hữu và người
đăng ký, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các quy định pháp luật tạo
cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
âm thanh, qua đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên liên quan.
-
Việc bảo hộ này cũng khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Các
doanh nghiệp sẽ không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nâng cao
danh tiếng để thu hút khách hàng, đồng thời thu hút đầu tư và đảm bảo lợi ích
cho người tiêu dùng.
-
Cuối cùng, bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là một bước thực hiện các cam kết quốc tế
của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập toàn cầu và khẳng định vị thế trong
sân chơi quốc tế.
2. Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia, vùng lãnh thổ
Thứ nhất, Theo Hiệp định TRIPS:
Hiệp
định TRIPS của WTO quy định tại Điều 15 rằng mọi dấu hiệu có khả năng phân biệt
hàng hóa hoặc dịch vụ đều có thể đăng ký nhãn hiệu, kể cả âm thanh. Tuy nhiên,
yêu cầu dấu hiệu phải "nhận thức được bằng thị giác" là tùy chọn,
không bắt buộc.
Hiệp
ước Singapore về Luật Nhãn hiệu (2006) cũng áp dụng cho nhãn hiệu âm thanh, quy
định rằng âm thanh cần được biểu diễn bằng ký hiệu âm nhạc, mô tả văn bản, hoặc
bản ghi âm.
Thứ hai, Quan điểm của một số quốc gia:
-
Hoa Kỳ: Là quốc gia đầu tiên công nhận
nhãn hiệu âm thanh. Các nhãn hiệu nổi tiếng như tiếng chuông NBC hay tiếng sư tử
gầm MGM đã được đăng ký.
-
-EU: Pháp luật EU cởi mở với nhãn hiệu
phi truyền thống, trong đó có âm thanh, miễn là đáp ứng yêu cầu về tính phân biệt.
-
Canada: Chấp nhận nhãn hiệu âm thanh từ
năm 2012 với yêu cầu cung cấp hình ảnh đại diện âm thanh, như sóng âm.
-
Nhật Bản: Công nhận nhãn hiệu âm thanh từ
năm 1996, cho phép sử dụng âm thanh để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.
-
Hồng Kông: Luật sửa đổi năm 2003 cho phép
đăng ký nhãn hiệu âm thanh và yêu cầu biểu diễn âm thanh bằng ký hiệu âm nhạc
kèm bản nhạc.
3. Bài học từ thực tiễn bảo hộ nhãn
hiệu âm thanh của thế giới
Qua
phân tích có thể thấy, mặc dù các quốc gia có những quan điểm và cách thức bảo
vệ nhãn hiệu âm thanh khác nhau, nhưng thông qua việc công nhận nó có vị trí
pháp lý như một nhãn hiệu đã thể hiện nỗ lực của các quốc gia trong việc bảo vệ
nhãn hiệu phi truyền thống và cung cấp những tư liệu tham khảo hữu ích cho việc
hoàn thiện hệ thống bảo vệ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Tính nổi bật: Các
nhãn hiệu âm thanh mở rộng phạm vi nhận diện ngoài văn bản và đồ họa, bao gồm cả
dấu hiệu phi truyền thống như âm thanh, mùi hương. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá
tính nổi bật khác nhau giữa các quốc gia và thường dựa trên khả năng nhận biết
trực tiếp của nhãn hiệu.
Khả
năng đăng ký: Theo Hiệp định TRIPS, mọi dấu hiệu có khả năng phân biệt
nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ đều có thể đăng ký. Việt Nam đã cập nhật luật
(2022), bổ sung bảo hộ nhãn hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa, học hỏi
kinh nghiệm quốc tế.
Phương
thức biểu đạt: Liên minh châu Âu yêu cầu biểu đạt âm thanh nghiêm ngặt,
phù hợp với âm nhạc nhưng hạn chế với âm thanh phi nhạc. Hoa Kỳ linh hoạt hơn
nhưng có thể gây mơ hồ khi xác định vi phạm. Việt Nam nên quy định chi tiết về
mẫu âm thanh, mô tả bằng hợp âm hoặc văn bản, đảm bảo phù hợp với mẫu đã đăng
ký và cách sử dụng.
Trên đây là những nội dung XTVN
trao đổi về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh theo luật sở hữu trí tuệ 2022. Nếu có bất
cứ thắc mắc nào quý bạn đọc vui lòng liên hệ ngay tới XTLaw qua Hotline 0865766898!