Câu hỏi: “Tôi hiện sống tại một khu
chung cư ở ngoại thành Hà Nội. Do lương công việc văn phòng ngày càng giảm sút,
tôi định nghỉ việc về mở quán ăn tại nhà nhà kết hợp bán hàng online cho cư dân
sống trong khu chung cư để tăng thu nhập và tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng. Việc
mở quán ăn tại khu chung cư có được phép không? Nếu được tôi phải thực hiện thủ
tục đăng ký ra sao?”
Luật sư tư vấn:
Việc mở quán ăn tại chung cư đang là một vấn đề khá
nóng trong thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều người chọn chung cư làm nơi
sinh sống và kinh doanh do nhu cầu cuộc sống hiện đại. Câu hỏi được nhiều người
đặt ra là: "Có được phép mở quán ăn trong chung cư không?" Để
trả lời câu hỏi này, Công ty Luật TNHH XTVN sẽ đưa ra các quy định pháp lý có
liên quan, cũng như đánh giá những khía cạnh thực tiễn xung quanh vấn đề này.
A. Quy
định pháp luật và phân tích về việc kinh doanh tại nhà chung cư
Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần làm rõ liệu
căn hộ chung cư có được phép kinh doanh hay không. Căn cứ khoản 3 Điều 2 Luật Nhà
ở 2023, nhà chung cư được định nghĩa là “nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều
căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và
hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm
nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục
đích sử dụng hỗn hợp.” Đồng thời, căn cứ theo khoản 4, khoản 5 Điều 3 Quy
chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BXD
thì nhà chung cư có mục đích để ở là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng chỉ sử
dụng cho mục đích để ở, còn nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà
chung cư được thiết kế, xây dựng vào mục đích ở và sử dụng vào mục đích khác
như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.
Như vậy, nếu chung cư mà bạn đang ở được
xây dựng với mục đích để ở thì căn cứ theo điểm c khoản 8 Điều 3 và điểm b khoản
1 Điều 10 Luật Nhà ở 2023, người sử dụng nhà chung cư không được phép mở quán
ăn trong chung cư. Nếu bạn mở quán ăn nghĩa là đã vi phạm quy định pháp luật về
Nhà ở, có thể bị xử phạt theo điểm e khoản 1 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
quy định về xử phạt hành chính về xây dựng với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 40.000.000 đồng.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhà chung cư bạn ở được
thiết kế, xây dựng là nhà chung cư có mục đích hỗn hợp thì bạn được phép mở
quán ăn trong chung cư và thực hiện hoạt động kinh doanh tại căn hộ của mình.
Việc mở quán ăn trong căn hộ chung cư, hay còn hiểu là cung cấp dịch vụ kinh
doanh ăn uống là hình thức kinh doanh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy
định tại Luật Thương mại 2005 với mã ngành 5610 trước cho quán ăn trước khi đi
vào hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng phải
đảm bảo đáp ứng các điều kiện, tuân thủ quy định theo Luật An toàn thực phẩm
2010 và Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Các cơ sở kinh doanh ăn uống bắt buộc phải có
Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ các trường hợp
như kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nhà hàng trong khách sạn, sản xuất, kinh doanh
thực phẩm không có địa điểm cố định,...
B. Thủ
tục đăng ký kinh doanh
Về thủ tục đăng ký kinh doanh cho quán ăn, bạn có thể
đăng ký kinh doanh với hình thức hộ kinh doanh cá thể để giảm bớt về mặt giấy tờ,
đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, cấp quận nơi bạn sinh sống. Hồ
sơ đăng ký kinh doanh bao gồm:
-
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
-
Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ
kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các
thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh
-
Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia
đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia
đình đăng ký hộ kinh doanh
-
Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ
gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành
viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Ngoài ra, bạn cần thực hiện việc đăng ký đủ điều kiện
an toàn thực phẩm để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại
UBND cấp huyện, cấp quận sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hồ
sơ đăng ký đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:
-
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ
điều kiện an toàn thực phẩm
-
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
-
Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang
thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của
cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
-
Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và
người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên
cấp
-
Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về
an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh
doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Kết luận: Có
thể thấy, việc mở quán ăn trong căn hộ chung cư là một hoạt động cần cân nhắc kỹ
lưỡng về mặt pháp lý và thực tiễn. Theo quy định pháp luật hiện hành, hoạt động
này không được phép nếu căn hộ không được thiết kế cho mục đích kinh doanh. Điều
này xuất phát từ mục tiêu bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của cư dân sống
trong chung cư. Nếu có ý định kinh doanh, chủ sở hữu căn hộ nên tìm hiểu kỹ quy
định của chung cư cũng như các quy định pháp luật để tránh vi phạm và đảm bảo
môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng cư dân.