Vỡ họ là gì? Chủ họ có phải chịu trách nhiệm
dân sự khi bị vỡ họ hay không?
Hiện nay hình thức chơi hụi, chơi phường, góp họ đang diễn
ra khá phổ biến ở nhiều nơi,
không còn là một vấn đề xa lạ trong đời sống, đặc biệt là đối với những người
kinh doanh buôn bán. Về bản chất, đây là một trong những hình
thức để huy động vốn, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho
phép hoạt động. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có một Điều để quy định về vấn đề
này. Tuy nhiên, vấn đề này cũng tồn tại
không ít những hạn chế khi có một số người lợi dụng việc chơi họ để chiếm đoạt
tài sản của người khác. Qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã không
ít lần thông tin, cảnh báo về tình trạng này. Khá nhiều vụ vỡ họ đã xảy ra và mức
độ thiệt hại cho người dân trong mỗi vụ việc có khi lên đến hàng tỷ đồng.
Vậy vỡ họ được hiểu như thế nào? Chủ họ có phải chịu trách nhiệm dân sự khi
bị vỡ họ hay không? Hãy cùng Công ty
Luật TNHH XTVN tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây:
Cụ thể theo Điều
471 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:
“Điều
471. Họ, hụi, biêu, phường
1. Họ, hụi,
biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập
quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số
người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền,
nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức
họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp
luật.
3. Trường hợp việc
tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc
tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.”
Pháp luật hiện
nay vẫn chưa có quy định cụ thể về khái niệm vỡ họ là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu
đơn giản vỡ họ, bể họ là khi chủ họ đã thu họ của những người chơi họ, đến kỳ mở
họ mà không chi trả cho người được hốt họ thì được coi là vỡ họ. Nếu đến kỳ mở họ
mà không tìm ra chủ họ là được coi là giật họ.
Bên cạnh đó, về
trách nhiệm của chủ họ khi bị vỡ họ được căn cứ theo Điều 351 Bộ luật Dân sự
năm 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vu phạm nghĩa vụ như sau:
“Điều
351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa
vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn,
thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp
bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì
không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp
luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa
vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực
hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”
Trong việc chơi họ,
việc vi phạm nghĩa vụ được hiểu là khi đến thời hạn xoay vòng người được hốt họ
lấy tiền mà chủ họ là người đang nắm giữ tiền của mọi người không thực hiện việc
đưa tiền cho người hốt họ đó. Theo đó, đối với bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa
vụ như hai bên đã cam kết thỏa thuận thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với
bên có quyền lợi theo đúng cam kết đó. Tuy nhiên, trường hợp loại trừ trách nhiệm
nếu như chủ họ do gặp sự cố bất khả kháng mà không thể thanh toán tiền cho người
được hốt họ, khi đó người chủ họ sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự; ngoại
trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, chủ họ
sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị vỡ họ. Tuy nhiên, trường hợp loại trừ
trách nhiệm, nếu như chủ họ do gặp sự cố bất khả kháng mà không thể thanh toán
tiền cho người được hốt họ, khi đó chủ họ sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự;
trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đồng thời, bên có nghĩa vụ sẽ không
phải chịu trách nhiệm dân sự nếu như có vấn đề lỗi xảy ra và lỗi này là do lỗi
của bên có quyền.
Ví dụ điển hình của sự kiện bất khả kháng
như thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023 đã gây ra thiệt hại đáng kể đến nền
kinh tế quốc gia, hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân cũng như ảnh hưởng
trực tiếp đến hoạt động bình thường của đời sống xã hội. Khi đại dịch bùng phát
trên toàn cầu, Nhà nước cách ly mọi người hoàn toàn để có thể kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Đương nhiên việc chủ họ bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Vì sự kiện
này mà chủ họ không thế tiếp tục thanh toán đúng thời hạn như các bên đã thỏa
thuận. Do sự kiện này xảy ra mà các bên không thể lường trước được, tức là nằm
ngoài khả năng tính toán của các bên. Nên đây có thể được xem là một sự kiện bất khả kháng trong trường hợp
này.
Trên đây là những
trao đổi của Luật XTVN về các quy định liên quan đến việc “Vỡ họ là gì? Chủ họ có phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị vỡ họ hay
không?” theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay. Hãy liên hệ chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý một
cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, đảm bảo đúng quy định pháp luật.